14 triệu người Việt đã có hộ chiếu vaccine; Chỉ còn 2 tuần để ‘làm sạch’ dữ liệu tiêm chủng
SKĐS – Sau 1 tháng triển khai cấp hộ chiếu vaccine điện tử, đến ngày 15/5, khoảng 14 triệu người Việt Nam có hộ chiếu vaccine. Thời hạn phải hoàn thành ‘làm sạch’ dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 trước ngày 1/6 theo yêu cầu của Bộ Y tế đang đến gần, do đó, các địa phương cần phải quyết liệt đẩy nhanh tiến độ…
14 triệu người Việt Nam có hộ chiếu vaccine
Theo Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, hộ chiếu vaccine điện tử đang được hiển thị trên ứng dụng PC-COVID. Người dân có thể truy cập ứng dụng này, vào mục hộ chiếu vaccine hiển thị trên màn hình. Bên cạnh đó, hộ chiếu vaccine sẽ được cập nhật trên ứng dụng Sức khỏe điện tử và trên trang tra cứu Bộ Y tế đang thực hiện xây dựng và sẽ công bố trong thời gian tới.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hộ chiếu vaccine là chứng nhận tiêm chủng COVID-19 điện tử do Bộ Y tế cấp cho người dân, sử dụng các tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh châu Âu (EU) ban hành.
Người dân đã tiêm chủng và được cơ sở tiêm chủng cập nhật dữ liệu lên hệ thống, được xác thực đúng thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được cấp hộ chiếu vaccine mà không phải làm thủ tục gì thêm.
Người dân cần kiểm tra thông tin tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên Cổng thông tin tiêm chủng hoặc trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử.
Nếu có sai sót/thiếu thông tin đề nghị người dân liên hệ (trực tiếp hoặc phản ánh trên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 //tiemchungcovid19.12point.net) với cơ sở tiêm chủng để được bổ sung, cập nhật.
Chỉ còn 2 tuần nữa để ‘làm sạch’ dữ liệu 43 triệu mũi tiêm vaccine phòng COVID-19
Liên quan đến hộ chiếu vaccine, thông tin tại hội nghị của liên Bộ Y tế – Công an về ‘làm sạch’ dữ liệu tiêm chủng ngày 26/4 cho biết, còn 43 triệu mũi tiêm chưa được ‘làm sạch’ ( sai thông tin gồm số định danh, ngày sinh, họ tên và thông tin khác ).
Tại cuộc họp trên, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh yêu cầu trước 1/6, các địa phương phải hoàn thành việc cập nhật xác thực thông tin này. Hiện người dân đã tiêm, chỉ còn khâu thông tin, nếu thiếu, chưa chính xác thì phải cập nhật lại; việc này tuyến xã phải thực hiện dưới sự chỉ đạo của cấp huyện, cấp tỉnh; các địa phương phải quan tâm chỉ đạo vấn đề này.
Tiếp đó, tại công văn số 2262/BYT-CNTT ngày 4/5 gửi UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước; các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và Y tế các bộ, ngành về hướng dẫn quy trình ‘làm sạch’ dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19, Bộ Y tế đề nghị phải hoàn thành ‘làm sạch’ dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 trước ngày 1/6/2022.
” Nếu các đơn vị không vào cuộc quyết liệt để làm sạch dữ liệu tiêm chủng cón sai sót, việc xác thực thông tin sẽ khó có thể thực hiện đúng tiến độ như Bộ Y tế đề ra “- một chuyên gia cho biết.
Ngoài ra, nhiều người dân cũng phản ảnh về việc thông tin mũi tiêm không sai thông tin nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được hộ chiếu vaccine. Trả lời về vấn đề này, đại diện Cục Công nghệ thông tin cho biết việc chậm cấp hộ chiếu vaccine cho người dân là do các cơ sở tiêm chủng chưa ký số.
Theo quyết định số 5772/QĐ-BYT ngày 20/12/2021 của Bộ Y tế, quy trình cấp hộ chiếu vaccine bao gồm 3 bước.
Bước 1: các cơ sở tiêm chủng thực hiện rà soát, bổ sung, xác thực thông tin tiêm chủng với CSDL quốc gia về dân cư theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bước 2: Các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19. Dữ liệu sẽ được đẩy về Hệ thống Quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Bước 3: Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế thực hiện ký số tập trung chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
” Vì vậy, khi chưa nhận được dữ liệu ký số của cơ sở tiêm chủng thì Bộ Y tế chưa thể ký số tập trung để cấp hộ chiếu cho người dân”- đại diện Cục Công nghệ thông tin nói.
3 trường hợp thông tin tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 bị sai sẽ được cập nhật, sửa đổi, bổ sung để phục vụ ký xác nhận hộ chiếu vaccine
Theo quy trình ‘làm sạch’ dữ liệu tiêm chủng COVID-19 ban hành kèm theo công văn số 2262 của Bộ Y tế, trong đó, có 3 trường hợp thông tin bị sai sẽ được cập nhật, sửa đổi, bổ sung.
Cụ thể, việc ‘làm sạch’ dữ liệu tiêm chủng COVID-19 được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau:
– Không có số Chứng minh nhân dân (CMND)/Căn cước công dân (CCCD).
– Sai định dạng số Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân.
– Sai thông tin cá nhân cơ bản như: số Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính.
Tính đến chiều ngày 15/5, cả nước đã tiêm gần 216.959.400 liều, trong đó, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 197.055.979 liều: Mũi 1 là 71.467.182 liều; Mũi 2 là 68.682.995 liều; Mũi 3 là 1.506.116 liều; Mũi bổ sung là 15.163.833 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 40.211.652 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 24.201 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.402.118 liều: Mũi 1 là 8.918.341 liều; Mũi 2 là 8.483.777 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 2.501.303 liều: Mũi 1 là 2.501.097 liều; Mũi 2 là 206 liều.
Để đảm bảo quyền của người dân được cấp giấy chứng nhận đã tiêm vaccine và hộ chiếu vaccine khi tham gia tiêm chủng COVID-19, Bộ Y tế cũng đã có văn bản số 2228 về hộ chiếu vaccine gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm việc quán triệt nhân viên y tế và các cán bộ thuộc quyền quản lý của đơn vị có liên quan đến công tác ký điện tử chứng nhận tiêm chủng COVID-19 và hộ chiếu vaccine, không được cản trở, gây khó khăn và có các hành vi trục lợi trong việc hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi người dân được cấp chứng nhận tiêm chủng COVID-19 và xác nhận hộ chiếu vaccine.
Đẩy mạnh truyền thông tới toàn dân được biết về quyền được cấp giấy chứng nhận tiêm chủng và hộ chiếu vaccine khi đã tiêm vaccine phòng COVID-19.
Bộ Y tế quán triệt tới tất cả các tổ chức/cá nhân có liên quan không được gây khó khăn cho người dân trong việc cấp chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và xác nhận hộ chiếu vaccine, nếu để xảy ra các biểu hiện tiêu cực thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.