Những thông tin cần biết về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
NHỮNG THÔNG TIN CẦN BIẾT VỀ BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH
Nguyễn Phước Lộc – P.KHTH
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh lý thường gặp, có thể phòng ngừa và điều trị được. Bệnh đặc trưng bởi các triệu chứng dai dẳng và giới hạn đường thở hoặc phế nang thường do tiếp xúc với hạt và khí độc hại kèm sự phát triển bất thường của phổi, bệnh đồng mắc làm tăng tàn phế và tử vong.
Toàn cầu có khoảng 3 triệu người[1] tử vong hàng năm. Tần suất ngày càng tăng do: hút thuốc lá tại các nước đang phát triển, lớn tuổi, môi trường. Tần suất tăng tới năm 2060 có khoảng 5,4 triệu người chết có liên quan tới COPD[2,3].
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự tiến triển của bệnh:
Các hạt độc
- Phơi nhiễm nghề nghiệp: các loại bụi vô cơ và hữu cơ, tác nhân hóa học là yếu tố nguy cơ cao[2,3].
- Một nghiên cứu đoàn hệ các nghề nghiệp: điêu khắc, làm vườn, nhân viên kho có nguy cơ dù không bao
giờ hút thuốc lá hoặc bị hen[4]
- Khoảng 3 tỉ người trên thế giới sử dụng nguyên liệu sinh khối (biomass) và than để nấu nướng và sưởi ấm…, do thế dân số nguy cơ rất lớn[5,6]. Chuyển đổi qua các năng lượng sạch hơn có thể giúp giảm nguy cơ phơi nhiễm COPD với những bệnh nhân không hút thuốc lá[7].
Nhiễm trùng
Tiền sử nhiễm trùng lúc nhỏ có khả năng suy giảm chức năng phổi và tăng các triệu chứng hô hấp[8]. Tình trạng dễ nhiễm trùng làm tăng nguy cơ đợt cấp COPD, tuy nhiên ảnh hưởng không rõ ràng lên tiến triển của bệnh. Một nghiên cứu quan sát nhiễm Pseudomonas aeruginosa là yếu tố nguy cơ độc lập trong tiên lượng nhập viện và tử vong do đợt cấp[9].
Chăm sóc
COPD không thể chữa khỏi hoàn toàn. Bệnh tiến triển nhanh hay chậm phụ thuộc rất lớn vào quá trình người bệnh được chăm sóc. Vì thế, kế hoạch chăm sóc bệnh nhân COPD có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp cả người thân và người bệnh kiểm soát diễn biến bệnh. Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân COPD cần đảm bảo những tiêu chí cơ bản, bao gồm:
– Hỗ trợ người bệnh tái khám định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ;
Hầu hết người mắc COPD là trên 40 tuổi nên việc bệnh nhân quên lịch tái khám là điều thường xảy ra. Người chăm sóc cần thay người bệnh ghi nhớ và đưa họ đi khám đúng lịch. Điều này sẽ giúp bác sĩ theo dõi chặt chẽ diễn tiến bệnh COPD, từ đó hạn chế khả năng xuất hiện các đợt cấp cũng như ngăn ngừa những biến chứng liên quan đến căn bệnh này.
– Theo sát việc dùng thuốc điều trị của bệnh nhân
Đối với người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, việc sử dụng thuốc điều trị đúng kỹ thuật, đúng giờ và đủ liều lượng có ý nghĩa quyết định đến tốc độ tiến triển của bệnh.
Việc nhắc nhở người bệnh sử dụng thuốc đúng giờ sẽ giúp họ hình thành thói quen để tránh quên thuốc hoặc vô tình dùng gấp đôi liều. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả điều trị.
– Tìm hiểu thông tin về bệnh COPD
Am hiểu về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ giúp bạn có kế hoạch chăm sóc bệnh nhân COPD đúng đắn, đồng thời hỗ trợ quá trình điều trị bệnh hiệu quả.
Do hầu hết người mắc phổi tắc nghẽn mạn tính là trên 40 tuổi, họ thường ít tiếp xúc với internet để tìm hiểu về căn bệnh mà mình đang mắc. Vì vậy, người bệnh sẽ không hiểu rõ mức độ nghiêm trọng hay biến chứng của COPD và không điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ. Với vai trò là người chăm sóc, bạn cần phải hiểu rõ về bệnh, như các triệu chứng điển hình, các phương pháp điều trị và các dấu hiệu của đợt cấp COPD (tần suất và mức độ nghiêm trọng). Từ đó, bạn có thể kịp thời đưa người bệnh đi khám nếu thấy bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tiến triển để phòng tránh các biến chứng nghiêm trọng./.
Nguồn thông tin:
[1]. Theo GOLD 2020 (Chiến lược toàn cầu về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính).
[2]. Eisner MD et al, Am J Respir Crit Care Med 2010; 182(5): 693–718.
[3]. Paulin LM et al, Am J Respir Crit Care Med 2015; 191(5): 557-65.
[4]. De Matteis S et al, Eur Respir J 2019; 54(1).
[5]. Assad NA et al, Semin Respir Crit Care Med 2015;36(3): 408-21.
[6]. Sherrill DL et al, Clin Chest Med 1990;11(3): 375-87.
[7]. Chan KH et al, Am J Respir Crit Care Med 2019; 199(3): 352-61.
[8]. De Marco Retal, Am J Respir Crit Care Med 2011; 183(7): 891-7.
[9]. Eklof J et al, Clin Microbiol Infect 2019.