Phòng chống dịch nơi làm việc trong mùa Covid-19
PHÒNG CHỐNG DỊCH NƠI LÀM VIỆC TRONG MÙA COVID-19
Hiện tại tình hình dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, nguy cơ lây nhiễm đối với người lao động tại cơ sở lao động và các khu công nghiệp, đặc biệt tại các cơ sở lao động sản xuất có người nước ngoài thuộc quốc gia có dịch là mối nguy cơ hình thành các ổ dịch phát tán dịch với mức độ lây lan cực kỳ nhanh.
Bộ Y tế đã có công văn số 490/BYT-MT gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (kèm hướng dẫn) khuyến cáo đối với công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại nơi làm việc cho người lao động.
Tại nơi làm việc, người sử dụng lao động (chủ doanh nghiệp) phải:
+ Thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại nơi làm việc; thiết lập đường dây nóng với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố hoặc thông qua đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế; phân công, công khai thông tin liên lạc (tên, số điện thoại) của cán bộ đầu mối phụ trách về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại nơi làm việc.
+ Phải có kế hoạch phương án xử trí, bố trí phòng để cách ly tạm thời đối với trường hợp người lao động có một trong các biểu hiện sốt, ho, khó thở trong quá trình làm việc hoặc khi đang ở ký túc xá, sắp xếp nhân lực, kinh phí phù hợp để thực hiện kế hoạch; có kế hoạch bố trí khu cách ly tập trung tại khu vực làm việc của người lao động theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch bệnh COVID-19 khi được yêu cầu.
+ Hạn chế người ra vào từng khu vực làm việc, bố trí đo thân nhiệt, nhắc nhở đeo khẩu trang và khai báo y tế ngay cổng vào. Về việc tổ chức tập trung hội, họp theo công văn hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia. Nếu thuận tiện khuyến khích người lao động làm việc trực tuyến tại nhà, tránh tập trung nhiều người.
+ Bố trí đầy đủ khu vực rửa tay, nhà vệ sinh, đảm bảo luôn có đủ nước sạch, xà phòng cho người lao động và khách hàng; bố trí đủ thùng đựng chất thải có nắp đậy; đảm bảo có đủ các trang thiết bị phục vụ công tác vệ sinh, khử khuẩn nơi làm việc,
+ Đảm bảo vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại nơi làm việc/khu dịch vụ/phương tiện vận chuyển cho người lao động; tăng cường thông khí nơi làm việc bằng cách tăng thông gió, hoặc mở cửa sổ, cửa ra vào, hoặc sử dụng quạt, hạn chế sử dụng điều hòa; tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm tại nơi làm việc của người lao động; bố trí giờ nghỉ giải lao/ ăn trưa lệch giờ; tránh tập trung đông người ở căng tin trong một khung giờ, tránh ngồi đối diện nhau.
Tại nơi làm việc, người lao động phải:
+ Tại nơi làm việc, người lao động cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân để phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế: rửa tay thường xuyên với xà phòng trong ít nhất 30 giây hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn có trên 60% nồng độ cồn khi không có điều kiện rửa tay với xà phòng; rửa tay tại các thời điểm: trước khi vào làm việc, sau giờ nghỉ giải lao, trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh; che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc mặt trước khuỷu tay để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp ra không khí; bỏ khăn giấy che mũi, miệng vào túi đóng kín, vứt vào thùng rác đúng nơi quy định và rửa tay với xà phòng; không đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh. Nghiêm cấm hành vi khạc, nhổ tại nơi làm việc.
+ Tăng cường chế độ dinh dưỡng, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, thường xuyên tập thể dục, có lối sống lành mạnh để nâng cao sức khỏe đề kháng cơ thể.
+ Hạn chế tránh tiếp xúc trong giao tiếp, sinh hoạt tại nơi làm việc như: bắt tay, ôm hôn, chia sẽ cảm xúc…Giữ khoảng cách an toàn trong tiếp xúc (cách xa nhau từ 1 mét đến 2 mét).
+ Người lao động phải đảm bảo vệ sinh phòng chống lây nhiễm. Dọn vệ sinh, vứt bỏ túi chứa khăn giấy, khẩu trang, vật dụng đã sử dụng vào thùng rác đúng nơi quy định, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên.
+ Nếu có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở thì người lao động cần đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với những người xung quanh, gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế, đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn khám bệnh và xét nghiệm để xác định nguyên nhân.
+ Người lao động hạn chế di chuyển nhiều nơi, ghi lại lịch trình di chuyển và thực hiện khai báo y tế thường xuyên.