Hiểu biết cơ bản về phục hồi chức năng cho trẻ bại não
HIỂU BIẾT CƠ BẢN VỀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO TRẺ BẠI NÃO
BS Nguyễn Thị Diểm Nhân – Khoa Nội YDCT – Da liễu – VLTL – PHCN
Trẻ bại não là trẻ bị rối loạn thần kinh trung ương không tiến triển, gây nên do tổn thương não xảy ra vào giai đoạn trước, trong và sau khi sinh cho đến 2 tuổi, gây ra những bất thường về vận động, giác quan, tâm thần và hành vi.
Trong số các bệnh nhi bại não vào Bệnh Viện Đa khoa Long An thường gặp là rối loạn vận động. Việc phát hiện sớm, khám và tập phục hồi chức năng, điều chỉnh tư thế và điều trị các rối loạn khác sẽ giúp cho trẻ phát triển tốt hơn. Bên cạnh đó, công tác phục hồi chức năng về mặt tâm lý và giáo dục cho trẻ cũng là vấn đề thiết yếu nhằm hỗ trợ khả năng giao tiếp xã hội sau này.
I. Kiến thức cơ bản về trẻ bại não
– Hầu hết trẻ bại não sẽ có tuổi thọ bình thường 5-10% trẻ bại não sẽ chết trong thời thơ ấu. Nguy cơ tử vong của trẻ bại não sớm tăng lên khi kèm theo bệnh động kinh, khuyết tật về trí tuệ và khiếm khuyết thể chất trầm trọng. Nguy cơ tử vong sớm gia tăng nếu trẻ có tình trạng khó nuốt nặng
– Theo thống kê, có gần 60% trẻ sẽ đi lại độc lập (GMFCS I-II), 10% sẽ đi với một dụng cụ trợ giúp đi lại (GMFCS III) và 30% trẻ sử dụng xe lăn (GMFCS IV-V). Trẻ bị khiếm khuyết về thể chất, chức năng hoặc nhận thức càng nhiều thì càng gặp khó khăn trong đi lại .
– Khoảng 1/4 trẻ bại não sẽ không nói được, 1/2 trẻ bại não có một số khó khăn nào đó với các thành phần của giao tiếp. Khoảng 1/3 trẻ bại não có những khó khăn cụ thể về lời nói và ngôn ngữ. Trẻ càng khiếm khuyết nặng về thể chất, chức năng hoặc nhận thức thì càng dễ bị khó khăn về lời nói và ngôn ngữ. Đặc biệt, động kinh không kiểm soát có thể liên quan đến những khó khăn với tất cả các hình thức giao tiếp, bao gồm cả lời nói.
II. Phân loại các thể bệnh, khi nào cần điều trị?
• Các thể bại não:
1. Thể co cứng:
– Là thể thường gặp nhất.
– Các cơ bị co cứng thường xảy ra hai bên thân, chi dưới thường nặng hơn chi trên.
– Ở chi trên, cánh tay khép cứng vào thân người, xoay trong, khuỷu gấp, bàn tay – cẳng tay quay sấp, ngón tay cái gấp, các ngón khác co cứng nắm lại.
– Ở chi dưới khớp hông gập, đùi khép xoay trong, khớp gối có thể duỗi hoặc hơi gấp, bàn chân ngửa, duỗi ngón gót. Biến dạng này làm 2 chi dưới khép chéo nhau như cái kéo, cử động khó khăn.
2. Thể loạn động/tăng động:
– Là sự gia tăng vận động của cơ, biểu hiện thường thấy bằng những cử động không mục đích ngay cả khi nghỉ ngơi hoặc những cử động bình thường quá mức hoặc kết hợp cả hai.
– Thường gặp ở chi trên, càng lộ rõ khi cố giữ lại hoặc muốn làm một động tác nào đó. Nếu chi dưới múa vờn thì đi đứng không vững.
– Những rối loạn trương lực cơ này bao gồm 3 rôi loạn là loạn trương lực, múa vờn, múa giật.
Loạn trương lực được biểu hiện bằng các co cơ ngắt quãng hoặc kéo dài gây các vận động xoắn vặn hoặc lặp lại.
Múa vờn đặc trưng bởi các vận động vặn vẹo và chậm, không kiểm soát cản trở trẻ giữ vững một tư thế. Múa vờn có thể nặng hơn nếu cố gắng vận động tuy nhiên múa vờn cũng có thể xuất hiện lúc nghỉ. Phân biệt múa vờn với loạn trương lực ở chỗ không giữ được các tư thế kéo dài, và với múa giật ở chỗ không có các mảnh vận động có thể xác định được.
Múa giật là một chuỗi của một hoặc nhiều vận động không tự ý hoặc mảnh vận động rời rạc xuất hiện ngẫu nhiên liên tục. Múa giật được phân biệt với loạn trương lực ở bản chất xảy ra ngẫu nhiên, liên tục, không thể đoán trước của các vận động, so với các vận động hoặc tư thế rập khuôn, dễ đoán trước được hơn của loạn trương lực. Các vận động của múa giật thường có vẻ nhanh hơn những vận động của loạn trương lực. Mặc dù chứng múa giật có thể nặng hơn khi vận động, cố gắng vận động, hoặc căng thẳng, các vận động này không được tạo ra bởi các cố gắng chủ ý với cùng độ đặc hiệu về thời gian như ở loạn trương lực.
3. Thể thất điều:
– Ít gặp.
– Thường do tổn thương tiểu não, trẻ bị rối laonj thăng bằng và cử đọng không chính xác, đi lảo đảo như người say rượu, chuyển động bị run rẩy.
– Đôi khi có rung giật nhãn cầu.
4. Thể phối hợp:
– Là bại não biểu hiện nhiều hơn một rối laonj vận động, thường thì sẽ có một kiểu rối loạn vận động chiếm ưu thế.
• Về mức độ giảm khả năng giao tiếp bao gồm:
– Chậm phát triển trí tuệ.
– Rối loạn ngôn ngữ, thất ngôn tiếp nhận, thất ngôn vận động, khó phát âm.
– Có thể có rối loạn về nghe nhìn.
– Giảm khả năng giao tiếp với bạn bè, người thân và cộng đồng.
Tuỳ theo mức độ nặng nhẹ của rối loạn vận động gây hạn chế khả năng thực hiện các sinh hoạt hàng ngày. Đối với những trẻ có thể tự đáp ứng được các nhu cầu hàng ngày, di chuyển không cần trợ giúp, không bị khiếm khuyết về tiếng nói, có khả năng tới trường học thì không cần điều trị. Đối với những trẻ nặng hơn, không thể tự chăm sóc và di chuyển, hoặc có tiếng nói rất kém thì cần phải tập phục hồi chức năng sớm và tốt. Nếu trẻ có thể ngồi vào lúc 2 tuổi, trẻ có nhiều khả năng đi mà không cần hỗ trợ ở tuổi lên. Nếu trẻ không thể ngồi nhưng có thể lăn lật vào lúc 2 tuổi, có khả năng là trẻ có thể đi mà không cần trợ giúp ở tuổi lên 6. Nếu trẻ không thể ngồi hoặc lăn ở độ tuổi 2 tuổi, trẻ hầu như không thể đi lại mà không cần trợ giúp.
Một số khiếm khuyết của rối loạn vận động đi kèm làm gây nhiều khuyết tật hơn như đau đớn, suy giảm trí tuệ, di lệch khớp háng, không nói được, động kinh, rối loạn tiểu tự chủ, rối loạn về thị giác, tính giác, rối loạn giấc ngủ,…
III. Nguyên nhân gây ra bại não
1. Nguyên nhân trước khi sinh:
– Nhiễm trùng trong thai kỳ: như nhiễm Rubella, Cytomegalovirus, nhiễm trùng ối, nhiễm trùng hệ tiết niệu – sinh dục
– Thiếu oxy não bào thai.
– Mẹ bất đồng nhóm máu Rh.
– Mẹ bị bệnh đái tháo đường, nhiễm độc thai nghén.
– Di truyền (yếu tố gia đình)
– Vô căn (30% trẻ bại não không tìm thấy nguyên nhân)
2. Nguyên nhân khi sinh:
– Trẻ bị ngạt, thiếu oxy trong quá trình chuyển dạ và sinh nở.
– Đẻ khó, phải can thiệp bằng phẫu thuật sản khoa như giác hút, forceps, mổ đẻ).
– San chấn sản khoa.
– Sanh non
3. Nguyên nhân sau khi sinh:
– Trẻ bị sốt cao, co giật.
– Viêm não, màng não, chấn thương sọ não.
– Thiếu oxy do ngập nước, ngộ độc khí độc.
– Xuất huyết não.
– U não
IV. Chẩn đoán sớm có ích lợi gì?
Nếu trong thai kỳ mẹ bị các bệnh nhiễm trùng hoặc dùng thuốc có khả năng gây quái thai thì cần phải chú ý nếu con có những nguyên nhân như trên và có cá dấu hiệu sớm như:
– Trẻ ngay khi đẻ ra bị mềm nhẽo, không vận động.
– Trẻ không khóc ngay, bị tím
Hoặc khi bé lớn hơn, thấy bé phát triển chậm hơn các trẻ khác, không biết cầm nắm 2 tay hoặc chỉ cầm 1 tay.
– Bú khó khăn, hay sặc sữa.
– Khó bế, tắm rửa, mặc quần áo vì tay chân cứng đờ
– Đầu rủ xuống, không ngẩn lên được.
– Nghe khó, nhìn khó.
– Động kinh, co giật.
– Tính cách thay đổi thất thường
– Có những phản xạ bất thường.
– Châm phát triển trí tuệ.
– Vận động khó khăn.
Trẻ bại não cần được bắt đầu bằng vật lý trị liệu ngay sau khi được chẩn đoán để tăng kỹ năng vận động của trẻ như ngồi, đi, cải thiện cơ lực và phòng ngừa sư co kéo biến dạng cơ (cơ bị co rút có thể giới hạn vận động của các khớp).
IV. Đi khám ở đâu và cần làm thêm gì?
– Các trẻ có các dấu hiệu như trên, cần đưa đến Bệnh viện để được Bác sĩ khám tổng quát, khám thần kinh, để cho Bác sĩ chuyên khoa Nhi, khoa Thần kinh, khoa VLTL-PHCN,… có thể lượng giá, khám trương lực cơ, phản xạ, đánh giá sự phát triển tâm thần vận động theo các thang điểm, cho trẻ thực hiện các cận lâm sàng phù hợp để phát hiện sớm để có thể điều trị bệnh sớm.
– Bác sĩ sẽ cho trẻ thực hiện các xét nghiệm cần làm như chẩn đoán hình ảnh: siêu âm não qua thóp, CT sọ, MRI sọ não để tìm các tổn thương não, đo điện não đồ,…phục vụ cho việc điều trị tốt hơn.
V. Hiểu đúng Phục hồi chức năng cho trẻ bại não
– Trẻ cần được bắt đầu điều trị sớm và liên tục, cần sự phối hợp của nhiều chuyên ngành khác nhau, giúp trẻ có thể lấy lại khả năng vận động một cách tối đa, giảm co cứng, múa vờn hay loạn trương lực cơ, sửa các khớp bị co rút, điều chỉnh dáng đi, ngồi, tập luyện các khả năng điều khiển tự chủ. Trẻ cần phải phối hợp với thuốc theo đơn của Bác sĩ. Nếu tình trạng co rút quá nặng, có thể điều trị bằng các mang nẹp hoặc phẫu thuật khi trẻ bị co cứng nhiều.
– Phục hồi chức năng là một trong những phương pháp điều trị quan trọng cho các trẻ bị bại não giúp cho những đứa trẻ có thể vận động lại được những chuỗi động tác cá nhân, sinh hoạt hàng ngày, luận tập giao tiếp xã hội, vui chơi và giáo dục phù hợp với độ tuổi của trẻ.
Bên cạnh đó, việc phối hợp và hỗ trợ từ phía ba mẹ trẻ là thiết yếu, phải có quyết tâm và kiến thức cơ bản để hỗ trợ trẻ gần với cuộc sống bình thường.
– Vận động trị liệu: Sử dụng các bài tập vận động tùy theo thể bệnh để giúp trẻ giảm các mẫu vận động bất thường, tăng khả năng vận động bình thường.
– Hoạt động trị liệu: Sử dụng các bài tập hoạt động trị liệu, các trò chơi giúp trẻ có thể thực hiện được các hoạt động theo sự phát triển của lứa tuổi.
– Ngôn ngữ trị liệu: Giúp trẻ kiểm soát các cơ của lưỡi, hàm, tập phát âm được. Ngôn ngữ trị liệu cần được tiến hành trước tuổi trẻ đến trường và tiếp tục trong suốt thời gian đi học.
– Chăm sóc: Trẻ nhỏ cần có chế độ chăm sóc đặc biệt, cung cấp đủ dinh dưỡng, đủ ánh sáng, được giao tiếp với các trẻ khác và người lớn.
– Giáo dục hướng nghiệp: Đối với trẻ đã lớn, mức độ bại não nhẹ, việc giáo dục hướng nghiệp giúp cho trẻ có thể độc lập và hòa nhập với gia đình và xã hội.
1. Đối với thể co cứng
– Mục tiêu:
+ Ngăn ngừa biến dạng co rút.
+ Giảm co cứng và tập luyện cơ.
+ Tập luyện chức năng và sinh hoạt.
– Phương pháp:
+ Vận động thụ động, kéo giãn, tư thế và dụng cụ chỉnh hình như nẹp, máng, để ngăn ngừa co rút.
+ Tạo thư giãn để giảm co cứng bằng vận động thụ động nhịp nhàng chậm hoặc bằng kỹ thuật ức chế Bobath. Sau đó tập cử động điều hợp từng khớp và nhiều khớp khi đã có tiến bộ.
+ Tập luyện những chức năng của đời sống hàng ngày theo trình tự phát triển bình thường: lật, trườn, bò, quỳ, đứng và đi. Tuỳ từng trường hợp của trẻ được tập đi nạng hoặc sử dụng xe lăn. Đối với chi trên, tập các cử động đơn giản như nắm và buông trước khi tập các động tác phức tạp dùng vào việc ăn uống, tắm rửa, thay quần áo.
+ Hoạt động trị liệu dưới hình thức trò chơi được áp dụng để cải thiện chức năng của chi trên cũng như chi dưới.
2. Đối với thể múa vờn
– Mục tiêu:
+ Tập luyện cử động hữa hiệu và điều hợp.
+ Tập chức năng sinh hoạt.
– Phương pháp:
+ Muốn tạo được cử động có điều hợp, bước đầu cần hạn chế cử động ở các chi và tay hay chân cử động ở một khớp mà thôi.
+ Chi trên bất động ở khớp vai và chỉ cho trẻ cử động gập duỗi khớp khuỷu. Khi đứa trẻ đã gập duỗi khớp khuỷu có điều hợp mới cho tập cử động vai.
+ Ở chi dưới, dùng nẹp chân dài để hạn chế cử động ở đầu gối và tập đi với nạng mà đầu được gắn thêm một miếng chì cho vững chắc.
3. Đối với thể thất điều – mất điều hợp
Bại não thể không điều hợp thường do tổn thương tiểu não. Nguyên tắc tập luyện là kiên nhẫn lặp đi lặp lại nhiều lần những cử động thường dùng trong sinh hoạt hàng ngày.
VI. Lời khuyên cho phụ huynh:
Ba mẹ trẻ bị bại não cần đến cho trẻ tập phục hồi chức năng sớm với Kỹ thuật viên có chuyên môn VLTL – PHCN sẽ tập vận động trị liệu cho trẻ đúng cách bằng các kỹ thuật vận động theo chuỗi của các chi, thân, tạo thuận vận động các khớp của trẻ ở các tư thế sinh hoạt, tập mạnh cơ, giảm co cứng cho bé, sẽ cho bé tập những hoạt động trị liệu như lẫy, bò, nâng đầu, nằm sấp, nằm ngửa, ngồi…và tập thăng bằng, chỉnh sửa dáng đi của trẻ.
Ở những trẻ có những bất thường về ngôn ngữ, KTV sẽ giúp trẻ gia tăng giao tiếp và phát triển ngôn ngữ bằng các phương pháp như làm mẫu, đặt câu hỏi, giả vờ quên, tính mới lạ, diễn giải, ngôn ngữ kí hiệu, …
Bên cạnh đó, sự tham gia của phụ huynh vào các nhóm hỗ trợ cộng đồng để kết nối các gia đình có con bại não với nhau rất quan trọng.Ba mẹ bé cần biết được những kỹ thuật để điều chỉnh tư thế như bế nách, địu, nằm võng, xoay lẫy, ngồi, giữ thăng bằng, đứng cho trẻ TẠI NHÀ, biết được những kỹ năng sinh hoạt hàng ngày bao gồm: Ăn uống, kỹ thuật kiểm soát miệng khi cho trẻ ăn uống, vệ sinh, tắm rửa, mặc quần áo, biết những tư thế ngồi tốt giúp trẻ ổn định tư thế khi thay quần áo, kỹ năng cởi – mặc quần áo cho trẻ, tư thế mặc quần áo cho trẻ thuận lợi, các kỹ thuật để chăm sóc bé tại nhà như ngủ, nằm, lẫy, đứng, đi vì trẻ bại não thể nặng thường phụ thuộc hoàn toàn vào sự giúp đỡ của gia đình trong mọi hoạt động sinh hoạt. Có thể tự chế các vật dụng nhỏ thích nghi trợ giúp trẻ dễ dàng hơn trong các sinh hoạt như : muỗng, đũa, bàn chải đánh răng, ly uống nước… Tập luyện ngôn ngữ cho trẻ càng sớm càng tốt. Tập luyện về giao tiếp nhằm giúp trẻ sớm hội nhập xã hội như ra hiệu bằng nét mặt, tay, đầu, thân người hoặc qua hình ảnh, vẽ, viết, đọc… Ngoài ra, gia đình phải chơi đùa giúp trẻ phát triển trí tuệ để kích thích về vận động, thăng bằng, kích thích các giác quan, cho trẻ chơi các đồ chơi có màu sắc, âm thanh… Khi bế hay ôm trẻ, hãy cầm tay của trẻ sờ vào mặt bạn, có thể cho trẻ sờ vào mắt, mũi, tai, miệng… và giới thiệu các bộ phận đó với trẻ.
Nếu được huấn luyện sớm, đúng cách và kiên trì, nhiều trẻ bại não có thể tự lập trong cuộc sống hàng ngày. Điều này rất quan trọng, nhất là khi trẻ bại não trưởng thành.