U lành hay u ác ?
U LÀNH HAY U ÁC ?
BS Thạch Thị Ái Xuân – Khoa Giải phẫu bệnh
- U là gì ?
Bình thường mỗi tế bào cũng có một tuổi thọ nhất định. Sau một số chu kỳ sinh sản (sinh sản vô tính/ tự phân đôi), một thời gian hoạt động theo chức năng, tế bào đi vào quy trình chết định sẵn (chết theo chương trình). Nếu một tế bào già chết đi, một tế bào non ra đời thay thế cả vị trí trong không gian và chức năng, khi đó không xuất hiện khối u.
Một số trường hợp, tế bào già không chết đi, tế bào mới vẫn được sinh ra, các tế bào mới vẫn có chức năng như tế bào sinh ra nó ( gọi là biệt hóa) khi đó khối u lành xuất hiện đó là kết quả của quá trình đột biến gen trong u lành.
Nếu quá trình đột biến còn kèm theo những đột biến khác nữa dẫn tới sự sinh sản (nhân đôi) không kiểm soát, tế bào non cũng sinh sản, không có chức năng (không hoặc kém biệt hóa) mà lại sản sinh ra các chất kích thích tăng sinh mạch máu mới, các chất có khả năng tiêu hủy vỏ khối u để xâm lấn vào cơ quan tổ chức xung quanh và tách khỏi khối u ban đầu chui vào các mạch máu mới hoặc mạch bạch huyết đến định cư và phát triển ở một hay nhiều cơ quan khác trong cơ thể (di căn) thì đó là khối u ác.
- Khối U lành tính khác U ác tính ở điểm nào ?
Khối U ác tính thường cứng, chắc, một số trường hợp mềm (khối U bị hoại tử), có bờ không đều, thường dính chặt vào da, khi sờ nắn ít di chuyển, ấn đau, phát triển nhanh, khả năng tái phát cao và gây khó khăn trong điều trị.
Ngược lại khối U lành tính bờ đều, khi sờ nắn thường di chuyển, tiến triển chậm và thường sẽ khỏi hẳn khi được cắt bỏ.
Mặc dù vậy, khi phát hiện một khối U bất thường. Bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế để xác định một cách chính xác U lành hay U ác để được điều trị sớm và kịp thời.