Phản ứng hạ bạch cầu máu sau hóa trị ung thư
PHẢN ỨNG HẠ BẠCH CẦU MÁU SAU HÓA TRỊ UNG THƯ
BSCKI Nguyễn Văn Viễn – Khoa Ung bướu
Hạ bạch cầu là một trong những tác dụng phụ thường gặp của điều trị hóa chất cho những bệnh nhân ung thư.
Bạch cầu là những “chiến binh” tham gia vào hệ miễn dịch, tạo nên sức đề kháng cho cơ thể, chống lại những vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng luôn rình rập tấn công cơ thể. Chúng có mặt trong máu, luôn chốt chặn tại những cửa ngõ thông thương giữa cơ thể và môi trường bên ngoài như hầu họng, đường hô hấp và đường tiêu hóa.
Bạch cầu được tạo ra từ những tế bào máu nguyên thủy có trong tủy xương và trong hệ lưới võng mô, hệ bạch huyết ở niêm mạc ruột non và ruột già. Trong đó đặc biệt là bạch cầu đa nhân trung tính còn gọi là bạch cầu hạt đóng vai trò chủ đạo, tạo ra hệ thống phòng ngự vòng ngoài cùng, chống lại các yếu tố vi sinh xâm hại.
Số lượng bạch cầu trung tính bình thường trong khoảng từ 7000/μL đến 9000/μL máu. Số lượng này không ổn định như các tế bào máu khác, thay đổi theo chủng tộc và theo nhiều yếu tố như tình trạng hoạt động, lo lắng, nhiễm trùng, và thuốc men. Ở người da trắng giới hạn dưới mức bình thường là 1500 /μL trong khi ở người da màu là 1200 /μL.
Mức độ giảm bạch cầu chia làm 3 nhóm :
– Nhẹ (2000 đến 3000 /μL).
– Trung bình (1000 đến 2000 /μL).
– Nặng (<1000/μL).
Thuốc hóa chất điều trị ung thư giúp cơ thể tiêu diệt tế bào ung thư, nhưng thật không may, nó cũng tác động mạnh lên các tế bào khỏe mạnh bình thường. Những tế bào nào phát triển càng nhanh thì càng nhạy cảm với hóa chất, đặc biệt là các tế bào tạo máu tại tủy xương. Trong quá trình truyền hóa chất, các tế bào tủy xương bị tổn thương và chết đi, dẫn đến suy giảm khả năng tạo máu của tủy xương và tình trạng hạ bạch cầu nếu các tế bào tủy xương lành còn lại không kịp hồi phục.
Tình trạng giảm bạch cầu sau khi dùng một số phác đồ hóa trị độc tế bào sẽ dẩn tới 3 tình huống lâm sàng nguy hiểm sau :
+ Làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cơ hội do gây suy giảm miễn dịch, biểu hiện là Sốt, cơ thể mệt mõi, nhớp nháp, lở loét niêm mạc miệng, họng lưỡi, nấm miệng, giảm nhanh chóng trương lực cơ cả khối cơ vân và cơ trơn, gây suy nhược, chán ăn, bỏ ăn do khó tiêu, ảnh hưởng lên các cơ quan trọng yếu như tim phổi, viêm phổi bội nhiễm, tiêu chảy / nhiễm trùng tiêu hóa, viêm nhức các khớp xương, đau xương, đau ngực vv…
+ Là lý do làm trì hoãn lần hóa trị kế tiếp vì vấn đề suy tủy xương. Bệnh nhân sẽ không sẳn sàng cho tiếp tục tuân thủ phác đồ điều trị, bỏ trị, ảnh hưởng lớn đến chiến lược điều trị hóa trị, tạo điều kiện cho ung thư bùng phát nhanh hơn.
+ Đôi khi dẩn tới tử vong do suy giảm miễn dịch nghiêm trọng mà người thầy thuốc đa khoa không có kinh nghiệm ung thư dễ dàng bỏ qua nếu không xem xét kỹ những thay đổi của xét nghiệm tổng phân tích các tế bào ngoại vi hoặc tủy đồ.
Giảm bạch cầu hạt liên quan đến hóa trị sẽ bắt đầu khoảng ngày thứ 5 sau khi kết thúc đợt hóa trị và giảm đến mức thấp nhất vào khoảng 7 đến 14 ngày sau khi hóa trị. Điểm thấp này được gọi là điểm đáy (nadir), là thời điểm nguy cơ bị nhiễm trùng cao nhất. Số lượng bạch cầu hạt sau đó bắt đầu tăng trở lại khi tủy xương phục hồi khả năng sản xuất bạch cầu. Tuy nhiên, có thể mất 3 – 4 tuần để đạt đến trị số/mức bạch cầu bình thường, sẵn sàng cho đợt hóa trị tiếp theo. Sau nhiều đợt hóa trị, cơ thể phải mất nhiều thời gian hơn để tạo ra lượng bạch cầu hạt như bình thường.
Trước mỗi đợt truyền hóa chất, bác sỹ luôn chỉ định cho bạn thực hiện một số xét nghiệm máu nhằm chắc chắn rằng các cơ quan quan trọng trong cơ thể bạn (tủy xương, gan, thận…) đã hồi phục trở lại bình thường sau đợt truyền hóa chất trước đó và đủ điều kiện cho đợt điều trị tiếp theo.
Khi đã xác định tình trạng giảm bạch cầu sau hóa trị bằng các biểu hiện lâm sàng nhiễm trùng và bằng các xét nghiệm về máu, người bệnh cần được hướng dẩn ngay một số biện pháp ngăn ngừa chủ động như :
– Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Vệ sinh răng miệng, vệ sinh cơ thể.
– Hạn chế nhập viện, tránh tiếp xúc với những người đang mắc bệnh nhiễm trùng như viêm phổi, lao, cảm cúm hoặc các bệnh khác …
– Không thực hiện các thủ thuật can thiệp gây chảy máu như nhổ răng, phẫu thuật thẩm mỹ, nặn mụn, chích choác, vết thương tay chân…
– Duy trì chế độ dinh dưỡng tốt giúp tủy xương nhanh chóng hồi phục cũng như tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
– Ăn đồ ăn đã nấu chín và ngay sau khi nấu, không ăn các món ăn có nguy cơ nhiễm khuẩn cao như rau sống, lòng, tiết canh…
– Dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý, những lo lắng, căng thẳng sẽ càng làm nặng thêm tình trạng hạ bạch cầu. Một giấc ngủ ngon lành, chất lượng sẽ giúp cho tủy xương có thêm thời gian để hồi phục.
– Tuân thủ chỉ định của bác sỹ trong việc sử dụng các loại thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Trì hoãn chu kỳ hóa trị kế tiếp hoặc giảm liều hóa trị hoặc thay đổi phác đồ hóa trị.
Đặc biệt là nghiệm pháp tiêm thuốc kích thích tủy xương để tạo bạch cầu.
Đây là một biện pháp cấp bách cần sớm thực hiện để bảo vệ hệ thống miễn dịch của bệnh nhân chống lại các tác nhân vi khuẩn và vi nấm xâm nhập cơ hội, giảm thiểu tình trạng nhiễm trùng bệnh viện, giảm thiểu sử dụng kháng sinh không cần thiết. Filgastim – một yếu tố kích thích dòng bạch cầu hạt của người (G-CSF) là loại thuốc đáp ứng yêu cầu đó.
Filgrastim, tên thương mại Neupogen, Ior Leukocim, Hebervital, Leucostim, Neutrofil 48, Neutrofil 30, Neulashm, Grafeel, Zarzio, Neutromax 300µg.
Công thức hóa học: C845H1343N223O243S9 là một yếu tố kích thích dòng bạch cầu hạt của người (G-CSF), được sản xuất bằng công nghệ tái tổ hợp ADN có hoạt tính giống hệt yêú tố nội sinh kích thích dòng bạch cầu hạt ở người. Liều lượng tuy nhỏ nhưng tác dụng sinh học rất lớn.
Đây là một trong các loại cytokin kích thích sinh máu, là các vi chất kích thích tế bào nguồn sinh máu vạn năng (pluripotential stem-cells) hay tế bào mẹ (progenitor) của từng dòng riêng biệt để sản xuất ra một lượng lớn các tế bào máu tại tuỷ (ở người trưởng thành).
Thuốc điều hoà việc sản xuất và huy động các tế bào bạch cầu hạt trung tính từ tuỷ xương, kích thích sự hoạt hoá, tăng sinh và biệt hoá các tế bào tiền thân bạch cầu trung tính.
Filgrastim được chỉ định để rút ngắn thời gian bị giảm bạch cầu nặng và các biến chứng của nó ở các bệnh nhân ung thư dùng hóa trị liệu độc tế bào, ngộ độc tia phóng xạ do xạ trị là những nguyên nhân gây ra ức chế tủy xương làm giảm bạch cầu đa nhân trung tính.
Liều khuyến cáo của Filgrastime là 0,5MUI (5mcg/kg tương ứng với 16,6 microlitre dung dịch tiêm) tiêm một lần trong ngày. Với một bệnh nhân 60kg chỉ cần dùng 1 lọ Filgrastim 30MUI tiêm dưới da.
Do kích thích mạnh tủy xương, thuốc có thể gây đau nhức tại vị trí một số xương lớn như cột sống, xương chậu. Không nên quá lo lắng vì chỉ cần một liều thuốc giảm đau thông thường cũng có thể xoa dịu dấu hiệu này.
Tại khoa Ung bướu của chúng tôi trong thời gian qua sau khi nhanh chóng triển khai các biện pháp chống nhiễm khuẩn cơ hội, tăng cường sức miễn dịch cho bệnh nhân và tiêm thuốc kích tạo bạch cầu từ tủy xương Filgrastim đã đạt được một số thành tựu lớn, nhanh chóng cứu sống nhiều bệnh nhân suy kiệt nặng sau hóa trị, tạo lập lại lượng bạch cầu cần thiết, giúp bệnh nhân có đủ sức khỏe tiếp tục tuân thủ phác đồ hóa trị, tránh được các biến chứng nguy hiễm của nhiễm trùng như suy tủy, suy thận, suy gan, suy đa cơ quan, nhiễm trùng máu bất hồi phục vv…