Atisô – vị thuốc bổ mát, giải độc gan nhưng dùng thế nào cho đúng?
SKĐS – Atisô là một loại thảo dược với nhiều công dụng quý, đặc biệt đối với hoạt động chức năng của gan, mật, thận… có tác dụng giải độc gan. Tuy nhiên không vì thế mà lạm dụng loại thảo dược này sẽ gặp nhiều phản ứng bất lợi cho sức khỏe người dùng.
Atisô được sử dụng rất nhiều dạng như dùng tươi, khô, làm trà, nấu cao và dùng trong nhiều bài thuốc đông y.
Atisô có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng bổ gan, thận, mát gan, lợi mật, lọc máu, lợi tiểu; thường dùng chữa chứng bệnh vàng da, sỏi mật, nhiễm độc, thấp khớp, thống phong, phù thũng, đái tháo đường, lợi sữa cho phụ nữ sau sinh…
Hoa atisô tươi có 81% nước, 3,15% protein, 0,30% lipid, 15,50% glucid, ngoài ra còn có mangan, phosphor, sắt, và vitamin A, B, C, cung cấp 50-75 calo…
Atisô có công năng lợi tiểu, làm tăng sự bài tiết urê, acid uric, cholesterol qua thận tiết niệu, vì vậy atisô được sử dụng tốt cho người bị bệnh gút, huyết áp, tim mạch, gan nhiễm mỡ…
Trà atisô hỗ trợ giải độc gan
Atisô là một loại thảo dược có tác dụng giải độc gan, khá phù hợp để sử dụng cho các đối tượng gan phải hoạt động nhiều, rối loạn lipid máu, vàng da, viêm thận, xơ vữa động mạch, người hút thuốc, uống rượu, làm việc trong môi trường ô nhiễm, người bị viêm loét dạ dày, tá tràng…
Tuy nhiên, nếu lạm dụng quá nhiều hoặc dùng liên tục atisô, người dùng có thể gặp một số bất lợi sau:
– Bị chướng bụng: Do tác dụng tiết mật và co thắt túi mật để đẩy mật từ gan xuống ruột của atiso, nên nếu dùng quá thường xuyên hoặc mỗi lần dùng quá nhiều có thể gây co thắt toàn bộ cơ trơn của đường tiêu hóa, gây đầy hơi, sau một thời gian dài uống atisô quá nhiều.
– Đại tiện phân lỏng: Do atisô tính lạnh nên những người có cơ địa tỳ vị hư hàn khi sử dụng nhiều atiso sẽ gặp tình trạng ăn uống , đại tiện phân lỏng nát.
Liều lượng thích hợp khi dùng atisô dưới dạng trà là 10 – 20g/ngày dưới dạng tươi, hoặc 5 – 10g/ngày với dạng khô.
Sắc nước uống, chia đều ra nhiều lần trong ngày.
Một số món ăn bài thuốc có sử dụng atisô
– Actisô còn là một loại rau xanh ăn bổ dưỡng và là vị thuốc rất quý chữa một số bệnh liên quan đến chức năng gan, thận hiệu quả.
Bông tươi atisô là loại rau cao cấp thường dùng nấu canh thịt, hầm xương hoặc luộc, ăn cả cái và nước.
Khi dùng atisô phải rửa sạch bằng nước nhiều lần, vì trong bông, lá có nhiều lông nhung dễ bám bụi cát, cũng như thuốc bảo vệ thực vật.
-Chữa gan yếu, phục hồi chức năng gan, giúp cơ thể giải độc: Hoa atisô 50g, gan lợn 100g, cho thêm gia vị vừa đủ hầm ăn tuần vài lần.
–Hỗ trợ chữa bệnh về gan như viêm gan, vàng da, viêm thận tiết niệu: Lá atisô tươi 100g hoặc khô 20g nấu uống. Tác dụng: Nhuận trường và lọc máu.
-Chữa tiêu khát: Hoa atisô 50g, ý dĩ 50g, lách lợn 150g, gia vị vừa đủ. Hoa atisô, ý dĩ, giã nhỏ, lá lách lợn rửa sạch, thái miếng, cho tất cả vào bát to, nêm gia vị vào trộn đều, đem hấp cách thủy. Ăn ngày 1 lần.
Kiêng kỵ: Atisô tính hàn, ăn vào rất mát nhưng không nên sử dụng nhiều cho người tỳ vị hư hàn hoặc đang bị tiêu chảy.
bài viết hay
cảm ơn bạn hiền!
Cảm ơn bạn nhé!