Bộ Y tế đang làm các thủ tục để sẵn sàng tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi
SKĐS – GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, Bộ Y tế đang tiến hành các thủ tục để sẵn sàng cho việc tiêm chủng với nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
88,5% học sinh trong độ tuổi từ 12-17 tuổi đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19
Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, Việt Nam là điểm sáng trong thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Tỷ suất tử vong ở trẻ em liên tục giảm qua các năm; Tình trạng thiếu dinh dưỡng, tỷ lệ nhẹ cân, thấp còi ở trẻ em được giảm thiểu; Tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi cơ bản được khống chế; Chiều cao trung bình của trẻ em và chiều cao đạt được của thanh niên được cải thiện…
Chương trình tiêm chủng mở rộng triển khai hiệu quả đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe trẻ em Việt Nam. Từ năm 1995, Việt Nam luôn đạt được tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi cao, đảm bảo duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000 và loại trừ bệnh Uốn ván sơ sinh từ năm 2005.
“Nhờ có vaccine và tỷ lệ tiêm chủng đạt ở mức cao trên 90%, tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em đã giảm hàng chục đến hàng trăm lần so với trước khi triển khai Chương trình Tiêm chủng mở rộng…”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Đặc biệt theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, trong 2 năm phòng, chống vừa qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và ban hành các quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục, đào tạo để các địa phương sớm mở cửa lại trường học, đưa học sinh, sinh viên trở lại trường đảm bảo an toàn và triển khai hiệu quả công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho học sinh, sinh viên.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, hiện nay, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp với sự xuất hiện các biến chủng mới của virus tiếp tục ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên.
Bên cạnh đó, tỉ lệ trẻ em, học sinh mắc bệnh tật lứa tuổi học đường vẫn có xu hướng gia tăng như: tật khúc xạ (40%), bệnh sâu răng (40,5%)… đồng thời xuất hiện một số bệnh mới nổi ở học sinh như thừa cân, béo phì, rối loạn tâm thần học đường…
Người đứng đầu ngành y tế cũng thẳng thắn cho rằng công tác y tế trường học, chăm sóc sức khỏe học sinh còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế; mạng lưới cán bộ làm công tác y tế tại các trường học còn thiếu và yếu; sự quan tâm của các địa phương trong việc đầu tư nguồn lực cho công tác này còn hạn chế, sự phối hợp giữa hệ thống y tế cơ sở, nhất là trạm y tế cấp xã và trường học có lúc, có nơi còn chưa hiệu quả…
Để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, sinh viên, khắc phục những khó khăn, tồn tại, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 và Chương trình Y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025.
“Đây là hai văn bản quan trọng, là cơ sở để các cấp, các ngành, các cơ sở giáo dục, đào tạo đẩy mạnh triển khai công tác y tế trường học, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe học sinh, sinh viên”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Phối hợp chặt chẽ với các bộ liên quan để sớm mở cửa trở lại trường học an toàn
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, Lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày hôm nay đã thể hiện quyết tâm cao và sự cam kết mạnh mẽ của hai bộ trong việc triển khai hiệu quả hai chương trình nêu trên cũng như các chương trình, đề án liên quan đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục, đào tạo để sớm .
Đồng thời Bộ trưởng nêu rõ, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung chỉ đạo, triển khai các nội dung, cụ thể:
Thứ nhất, tập trung chỉ đạo triển khai thành công Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025; Chương trình Y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025.
Thứ hai, tăng cường chỉ đạo việc chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng ngay khi có khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới; cập nhật phác đồ điều trị cho học sinh mắc COVID-19 tại các cơ sở y tế các tuyến từ trung ương đến địa phương; và tiếp tục chỉ đạo triển khai các quy định phòng, chống dịch COVID-19 cũng như các bệnh dịch khác để học sinh được đến trường an toàn.
Thứ ba, tiếp tục rà soát, bổ sung, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo chuyên môn về y tế và tăng cường kiểm tra, giám sát hỗ trợ để đảm bảo thực hiện công tác y tế trường học, chăm sóc sức khỏe học sinh, sinh viên đầy đủ, toàn diện, thiết thực và hiệu quả ở tất cả các cấp và các địa phương.
Thứ tư, tiếp tục quan tâm đầu tư cho hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế cấp xã để triển khai hiệu quả các nội dung, hoạt động về y tế trường học, chăm sóc sức khỏe học sinh, sinh viên.
Thứ năm, thúc đẩy công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác y tế trường học đáp ứng yêu cầu đánh giá nguy cơ, theo dõi sức khỏe, sơ cứu ban đầu và phối hợp chăm sóc, quản lý sức khỏe học sinh, sinh viên.
Thứ sáu, tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, phòng, chống bệnh tật học đường, sức khỏe tâm thần, dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, phòng chống HIV/AIDS, dân số và sức khỏe sinh sản phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe học sinh, sinh viên sẽ ngày càng được nâng cao góp phần đảm bảo học sinh, sinh viên được học tập an toàn, lành mạnh và có đủ sức khỏe về thể chất, tinh thần để đáp ứng những yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.