Đau nửa đầu trong thực hành lâm sàng
ĐAU NỬA ĐẦU TRONG THỰC HÀNH LÂM SÀNG
BS Trần Thị Thu Thảo – Khoa Nội Thần Kinh
I – Sơ lược về đau nửa đầu (migaine)
- Đau nửa đầu là loại bệnh não phổ biến nhất trên toàn cầu với mức độ mắc khoảng 1 trong 7 người. Tỷ lệ mắc tối đa thường ở lứa tuổi 30-40 tuổi; đặc biệt khoảng 45 tuổi, tỷ lệ bệnh nhân nữ gấp 4 lần bệnh nhân nam và sau 60 tuổi, tỷ lệ nữ gấp 2,5 lần nam.
Người ta nhận thấy 50% trường hợp có tiền sử gia đình. Ngoài ra còn có những yếu tố thúc đẩy với từng cá nhân.
II – Phân loại
- Đau nửa đầu không có dấu thoáng báo (aura).
- Đau nửa đầu có dấu thoáng báo:
- Có hoặc không có dấu hiệu đau nửa đầu.
- Có thể không có dấu hiệu nhức đầu.
- Đau nửa đầu liệt nửa người gia đình, tản phát.
- Đau nửa đầu kiểu động mạch nền sọ…
- Hội chứng chu kỳ ở trẻ em thường xảy ra trước đau nửa đầu:
- Nôn chu kỳ
- Chóng mặt kịch phát lành tính ở trẻ em.
- Đau nửa đầu võng mạc.
- Biến chứng đau nửa đầu:
- Đau nửa đầu mạn tính.
- Dấu thoáng báo không hoặc có liên quan đến nhồi máu não
- Cơn động kinh do đau nửa đầu khởi phát
- Dấu thoáng báo (aura)
- Dấu thoáng báo là phức hợp triệu chứng xảy ra ngay trước khởi phát hoặc vào lúc khởi phát cơn đau nửa đầu.
- Dấu thoáng báo điển hình gồm các triệu chứng thị giác (ánh sáng hoặc điểm nhấp nhánh và/ hoặc mất thị giác và/ hoặc dị cảm (kim châm, tê bì) và/ hoặc ngôn ngữ (nói khó, khó phát âm). Các triệu chứng nói trên thường xuất hiện tăng dần theo thời gian không quá 1 giờ rồi thoái biến hoàn toàn.
- Phần lớn bệnh nhân chỉ có cơn đau đầu mà không có dấu thoáng báo. Cần phân biệt các tiền triệu hoặc tiền chứng với các dấu hiệu báo động (mệt nhọc, đau gáy, nhìn mờ, da xanh tái) xuất hiện một đến hai ngày trước khi xảy ra đau nửa đầu.
- Đau nửa đầu có dấu thoáng báo (15% các trường hợp)
Bệnh còn có tên là đau nửa đầu liệt vận nhãn
Chẩn đoán dựa vào:
- Rối loạn tái diễn với các cơn có triệu chứng thần kinh khu trú xảy ra và thoái biến trong vòng 5-20 phút, kéo dài ít nhất 60 phút.
- Ít nhất có 2 cơn.
- Đau nửa đầu không có dấu thoáng báo (80% các trường hợp)
Chẩn đoán dựa vào:
- Nhức đầu tái phát thành cơn kéo dài 4-72 giờ.
- Có ít nhất 5 cơn.
- Đặc điểm: Đau một bên có tính chất mạch đập, cường độ đau vừa hoặc nặng, tăng lên khi hoạt động.
- Trong cơn đau: Lợm giọng và/ hoặc nôn. Ghê sợ ánh sáng, tiếng động.
III – Tiếp cận bệnh nhân:
Cần phải chú trọng khai thác bệnh sử và hoàn cảnh gây bệnh:
- Vị trí đau, thời điểm đau, nhịp độ tiến triển, tính chất đau, các hiện tượng báo hiệu, đồng diễn phối hợp.
- Cần thăm khám toàn diện và hệ thống về nội khoa, thần kinh và tâm thần. Chú ý kiểm tra các chuyên khoa Mắt, Tai-Mũi-Họng, Răng-Hàm-Mặt…
- Ngoài các xét nghiệm thường quy về huyết học, sinh hóa, vi sinh y học, X-quang chuẩn, đối với chuyên khoa thần kinh còn cần ghi điện não và các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh học hiện đại.
- Trong thực hành cần liên hệ tới các bệnh lý:
- Nhức đầu cấp tính thường gặp trong nhiễm khuẩn chung, bệnh màng não, bệnh não-màng não.
- Nhức đầu mạn tính khá phổ biến liên quan đến bệnh lý cục bộ (Tai-Mũi-Họng, Răng-Hàm-Mặt, Mắt, xương sống cổ), bệnh Nội khoa (Tim-mạch, thận, tiêu hóa, nội tiết, dị ứng, nhiễm độc), bệnh thần kinh trong hộp sọ (u, viêm, lao, giang mai, HIV), bệnh tâm thần (loạn thần, bệnh tâm căn).
- Trong lâm sàng thần kinh cần chú ý tới:
- Khởi phát cấp tính: Có thể do các bệnh mạch máu não, viêm não hoặc viêm màng não, bệnh mắt (glocom, viêm mống mắt cấp).
- Khởi phát bán cấp tính: Có thể do viêm động mạch thái dương, khối u trong sọ, đau thần kinh tam thoa, đau thần kinh thiệt-hầu, đau sau zona, tăng huyết áp.
- Nhức đầu mạn tính: Cần phân biệt đau nửa đầu với nhức đầu kiểu căng thẳng, nhức đầu thành chặp, bệnh đốt sống cổ, viêm xoang.
IV – Xử trí nhức đầu, đau nửa đầu
Điều trị nói chung có thể theo mô hình 3 bậc thang của Tổ chức Y tế Thế giới bao gồm:
- Bậc 1: Thuốc giảm đau ngoại vi.
- Bậc 2: Thuốc giảm đau trung ương.
- Bậc 3: Thuốc giảm đau trung ương mạnh.
- Ngoài phương pháp dược lý còn có thể ứng dụng các kỹ thuật của phương pháp vật lý bao gồm cả châm cứu theo y học cổ truyền. Việc kết hợp phục hồi chức năng và liệu pháp tâm lý được khuyến cáo với mọi trường hợp.