Gừng dùng thế nào là tốt nhất, đọc ngay mà tránh khi ăn kẻo ‘rước họa vào thân’
SKĐS – Gừng có nhiều công dụng tuyệt vời với sức khỏe, nhưng cần được sử dụng đúng cách, đúng đối tượng để phát huy tác dụng một cách tốt nhất.
Lâu nay, gừng được xem là loại củ đem lại nhiều công dụng cho sức khỏe. Theo Đông y, gừng có vị cay, tính ấm vào 3 kinh phế, tỳ, vị, có tác dụng tán hàn ôn trung, tiêu đàm, hành thủy, giải độc. Nhờ những công dụng trên, lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông Y Hà Nội) cho biết, có đến 70% các đơn thuốc Đông y đều có vị gừng.
Cụ thể, các thầy thuốc sử dụng củ gừng để cải thiện tiêu hóa, nâng cao khả năng miễn dịch, giảm đau. Gừng còn là phương thuốc hữu hiệu chống lại virus cảm cúm với tính năng tăng cường hệ miễn dịch và giàu chất chống oxy hóa.
Còn theo Y học hiện đại, các nghiên cứu đã chỉ ra, trong củ gừng có chứa chất cineol, có tác dụng kích thích tại chỗ, diệt khuẩn. Cùng với đó, hợp chất gingerol trong gừng hỗ trợ tiêu hóa, giảm buồn nôn, phòng trị bệnh cúm và cảm lạnh thông thường.
Do đặc tính cay nóng, ấm, gừng giúp làm giãn các mao mạch, thúc đẩy quá trình tiết mồ hôi, làm ấm cơ thể từ bên trong. Khi đó, tuần hoàn máu trong cơ thể diễn ra tốt hơn giúp chống lại virus hợp bào hô hấp, phòng ngừa các bệnh liên quan đường hô hấp, nhất là trong mùa đông lạnh.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, củ gừng kết hợp sả, chanh còn được nhiều người sử dụng làm nguyên liệu để nấu nước xông hơi, giúp giảm các triệu chứng của bệnh.
Sử dụng gừng thời điểm nào đem lại hiệu quả tốt nhất?
Theo lương y Vũ Quốc Trung, nên sử dụng gừng vào ban ngày, nhất là vào buổi sáng, lúc này khí trong dạ dày nhiều, ăn/uống một chút gừng vào sẽ kiện tì ôn vị, khích lệ cho dương khí bốc lên, đem lại tác dụng tăng cường và thúc đẩy tuần hoàn máu, tốt cho tiêu hóa. Hạn chế dùng nhiều gừng buổi tối vì sẽ gây nóng trong, dễ khiến mất ngủ.
Trong thời điểm mùa đông lạnh, nhiều người dễ bị lạnh bụng, khó tiêu, chân tay lạnh, mạch nhỏ, nhiều đờm, ho suyễn và thấp khớp. Trường hợp này, theo lương y Vũ Quốc Trung, có thể dùng 4-20 g gừng khô, gừng sao dưới dạng thuốc sắc hoặc tán nhuyễn để uống.
Để chữa ho lâu ngày và ợ hơi, dùng gừng sống giã lấy khoảng một thìa nước cốt trộn với một thìa mật ong đun nóng, chia ra uống dần từng ngụm nhỏ. Người bị đau lưng, đau vai gáy do lạnh, dùng rượu gừng làm thuốc xoa bóp, massage cơ để cơ bắp thả lỏng, hoặc chườm nóng vai gáy với gừng rang muối hột.
Trường hợp đau xương khớp mùa lạnh, nên ngâm chân, tay hoặc tắm với nước thảo dược có thành phần gừng tươi hoặc lấy gừng rang với muối hột chườm lên vùng đau để giảm đau nhức.
Cùng với đó, sử dụng gừng làm gia vị trong các bữa ăn hàng ngày giúp kích thích tiêu hóa. Ngày lạnh có thể dùng thêm một chút mứt gừng, trà gừng để giúp làm ấm cơ thể hơn.
Lưu ý: Không ăn gừng khi có dấu hiệu hư hỏng, dập thối vì có thể tạo ra độc tố gây hại cho sức khoẻ. Khi sử dụng gừng, chỉ nên rửa sạch phần đất cát, bụi bẩn bám ngoài vỏ, không nên gọt hết vỏ củ gừng vì phần vỏ cũng chứa nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.
Những ai không nên sử dụng nhiều gừng?
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, gừng là loại gia vị tốt nhưng không nên lạm dùng quá nhiều. Bởi gừng thuộc tính nhiệt nên khi ăn nhiều có thể gây khô miệng, khát nước, phát nhiệt trong người. Thậm chí theo một số lương y, dùng nhiều gừng quá 5g trên ngày có thể gây toét mắt, chảy nước mắt sống.
Đặc biệt, một số người được khuyến cáo không nên dùng nhiều gừng như: Người có tạng nóng, hay nhiệt miệng, táo bón. Những người bị đau dạ dày cũng không nên ăn gừng vì thành phần của gừng bao gồm các chất chủ yếu hoạt động trên niêm mạc dạ dày, ruột và đại tràng. Tiêu thụ nhiều gừng có thể gây kích thích niêm mạc dạ dày, lâu dần có thể bào mòn niêm mạc thậm chí gây loét dạ dày.
Cùng với đó, với những trường hợp bị sốt cao tuyệt đối không ăn gừng vì gừng có tính nhiệt càng làm cho thân nhiệt của người bệnh cao lên gây tổn thương các mạch máu, thậm chí xuất huyết. Người đang bị say nắng, vừa đi ngoài trời nắng cũng không nên uống nước gừng kẻo gặp hoạ.