Mất ngủ: Căn nguyên và dùng thuốc không kê đơn hỗ trợ giấc ngủ
SKĐS – Giấc ngủ đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe và tinh thần của mỗi người. Mất ngủ sẽ làm cơ thể mệt mỏi và là nguyên nhân gây nhiều bệnh tật. Vậy căn nguyên của chứng mất ngủ là gì và có thể sử dụng thuốc không kê đơn nào để hỗ trợ giấc ngủ?.
1. Mất ngủ là gì?
Mất ngủ là một loại rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng đến 20% người lớn. Những người bị mất ngủ gặp khó khăn khi đi vào giấc ngủ và có thể thức dậy sớm hơn họ muốn.
Người bị mất ngủ không cảm thấy được nghỉ ngơi cho dù họ đã ngủ bao nhiêu và đôi khi cảm thấy mệt mỏi, trằn trọc, lo lắng hoặc cáu kỉnh suốt cả ngày.
Mất ngủ có thể là dấu hiệu của một vấn đề giấc ngủ nghiêm trọng hơn, như chứng ngưng thở khi ngủ. Ngủ không ngon giấc vào ban đêm cũng có thể khiến bạn buồn ngủ hơn vào ban ngày, điều này có thể khiến bạn lái xe không an toàn. Nhiều vụ tai nạn do người thiếu ngủ gây ra. Mất ngủ cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác, như huyết áp cao, béo phì, đái tháo đường, trầm cảm, đau tim và đột quỵ.
2. Căn nguyên của chứng mất ngủ
Nghiên cứu hiện tại cho thấy rằng chứng mất ngủ chủ yếu là một chứng rối loạn hưng phấn hoặc bất thường trong hệ thống thức/kích thích.
Nhiều yếu tố được xác định có thể gây ra sự mất cân bằng trong hệ thống đánh thức/kích thích, như lối sống, môi trường, lo lắng, yếu tố y tế, di truyền và yếu tố miễn dịch. Các yếu tố có khuynh hướng tự nó không đủ để tạo ra chứng mất ngủ mà là một yếu tố góp phần, chúng có thể gây ra đôi khi mất ngủ vào ban đêm. Những yếu tố này bao gồm di truyền, đặc điểm tính cách và các yếu tố xã hội, làm việc theo ca và thuốc men. Thuốc vượt qua hàng rào máu não cũng có thể ức chế hoặc làm tăng kích thích.
3. Thuốc không kê đơn hỗ trợ giấc ngủ
Thuốc không kê đơn thường được sử dụng để giúp điều trị các triệu chứng liên quan đến mất ngủ. Bệnh nhân nên nhận thức được về hiệu quả hạn chế và tính an toàn của các sản phẩm này khi sử dụng thuốc hỗ trợ giấc ngủ. Việc sử dụng thuốc phải được tư vấn và theo dõi bởi bác sĩ.
3.1 Thuốc kháng histamine
Nhiều sản phẩm được bán trên thị trường để điều trị rối loạn giấc ngủ là thuốc kháng histamine (đơn chất) hoặc các sản phẩm có chứa thuốc giảm đau kết hợp với thuốc kháng histamine cho những bệnh nhân bị đau do mất ngủ.
Thuốc kháng histamine có thể giúp giảm các triệu chứng mất ngủ bằng cách thúc đẩy an thần, giảm thời gian đi vào giấc ngủ. Tuy nhiên, việc sử dụng chúng nên bị hạn chế vì có ít dữ liệu và khả năng gây tác dụng phụ do đặc tính kháng cholinergic, đặc biệt là giảm chức năng nhận thức, an thần cả ngày, phát triển khả năng dung nạp và tương tác với các thuốc khác.
Ngoài ra, không nên sử dụng thuốc cho những bệnh nhân trên 65 tuổi, bị bệnh tăng nhãn áp, đi tiểu khó, tuyến tiền liệt phì đại hoặc rối loạn tuyến giáp.
3.2 Melatonin
Melatonin là một loại hormone tự nhiên được sản xuất bởi tuyến tùng và đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát quá trình ngủ theo chu kỳ sinh học. Nó là một chất điều chỉnh giấc ngủ và được giải phóng để đáp ứng với bóng tối.
Dữ liệu nghiên cứu có sẵn đã chứng minh khả năng của melatonin giúp tăng tổng thời gian ngủ ở những bệnh nhân bị hạn chế ngủ hoặc thay đổi lịch trình giấc ngủ, làm giảm mệt mỏi ban ngày liên quan đến jetlag, thiết lập lại chu kỳ ngủ-thức của cơ thể và giảm thời gian để bệnh nhân đi vào giấc ngủ.
Các phân tích tổng hợp cũng đã ghi nhận melatonin làm giảm đáng kể độ trễ khi bắt đầu giấc ngủ, tăng tổng thời gian ngủ và cải thiện chất lượng giấc ngủ tổng thể ở những bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ nguyên phát.
Hiện tại, melatonin được coi là một chất bổ sung chế độ ăn uống và có sẵn dưới dạng các chế phẩm giải phóng ngay và chậm.
3.3 Thảo dược
Nhiều sản phẩm thảo dược dường như có đặc tính an thần chứa valerian.
Bằng chứng cho thấy rằng với valerian tạo ra tác dụng gây ngủ nhẹ, giảm thời gian bắt đầu ngủ, thúc đẩy duy trì giấc ngủ và có khả năng cải thiện chất lượng giấc ngủ. Valerian nói chung là an toàn. Các tác dụng phụ hiếm gặp được báo cáo bao gồm khó chịu đường tiêu hóa, dị ứng tiếp xúc, nhức đầu, ngủ không yên và giãn đồng tử.
Khi tiếp cận một bệnh nhân khó ngủ, điều quan trọng là người bệnh phải được đánh giá thích hợp về thời gian, mức độ nghiêm trọng của triệu chứng… Vì vậy, bệnh nhân cần đến bác sĩ để có chẩn đoán và hướng xử trí thích hợp.
4. Làm thế nào để có giấc ngủ ngon?
Cách tốt nhất để bắt đầu có một giấc ngủ ngon hơn là thực hiện vệ sinh giấc ngủ tốt. Nhiều người có thể cải thiện đáng kể chất lượng giấc ngủ của họ chỉ bằng cách sử dụng các kỹ thuật vệ sinh giấc ngủ. Một số ví dụ về các kỹ thuật này bao gồm:
- Tuân theo một lịch trình ngủ đều đặn (đi ngủ và dậy vào cùng một giờ mỗi ngày)
- Tránh ngủ trưa vào buổi chiều
- Tránh sử dụng đồ điện tử trước khi đi ngủ
- Tránh uống cà phê sau buổi trưa
- Tránh ăn gần giờ đi ngủ
- Tránh hút thuốc
- Tập thể dục ít nhất 5 giờ trước khi đi ngủ?
- Giữ một môi trường ngủ yên tĩnh.
Mất ngủ đã trở thành một mối quan tâm sức khỏe cộng đồng có thể có tác động đáng kể đến sức khỏe của bệnh nhân về thể chất, chức năng và tâm lý. Đây là một chứng rối loạn vẫn chưa được báo cáo và điều trị đầy đủ. Các bác sĩ sẽ có thể thảo luận và đề xuất các biện pháp can thiệp không dùng thuốc, như vệ sinh giấc ngủ và kiểm soát các yếu tố kích thích, để giúp người bệnh cải thiện giấc ngủ.
Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc. Nếu cần phải sử dụng thuốc, bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân về cách sử dụng phù hợp và và quan trọng nhất là giúp bệnh nhân tránh lệ thuộc và lạm dụng sử dụng thuốc ngủ OTC mãn tính.