NGHIỆM PHÁP GẮNG SỨC ĐIỆN TÂM ĐỒ
NGHIỆM PHÁP GẮNG SỨC ĐIỆN TÂM ĐỒ
BS Nguyễn Đức Lộc- Khoa Nội tim mạch
I . TỔNG QUAN VỀ NGHIỆM PHÁP GẮNG SỨC
Nghiệm pháp gắng sức là một phương pháp thăm dò không chảy máu được sử dụng để phát hiện những tình trạng thiếu hụt cung cấp máu cho cơ tim khi tăng nhu cầu tưới máu bằng các biện pháp gây tiêu thụ thêm năng lượng có chuẩn hóa và cụ thể hóa biểu hiện các triệu chứng lâm sàng và thay đổi điện tim, siêu âm hoặc đồng vị phóng xạ.
II . CHỈ ĐỊNH VÀ CHỐNG CHỈ ĐỊNH
A. CHỈ ĐỊNH
1. Chẩn đoán
– Các bệnh lý động mạch vành: Người bệnh có các bất thường trên điện tim không có triệu chứng lâm sàng, đau ngực không điển hình liên quan đến gắng sức, phát hiện bệnh ở những người có yếu tố nguy cơ bị bệnh lý động mạch vành.
– Tăng huyết áp: Đánh giá sự bất thường của chỉ số huyết áp khi gắng sức, phát hiện các trường hợp tăng huyết áp không điển hình.
– Ngất, hồi hộp đánh trống ngực.
– Tìm kiếm các thay đổi bất thường của điện tim khi gắng sức.
2. Đánh giá chức năng
– Bệnh mạch vành: Theo dõi trong các giai đoạn của bệnh, đặc biệt là theo dõi tiến triển của điện tim khi gắng sức.
– Bệnh van tim và suy tim: Trong hẹp hai lá mà triệu chứng cơ năng không rõ ràng hoặc suy tim nhẹ.
– Rối loạn nhịp tim: đánh giá sự tiến triển của các rối loạn nhịp tim theo gắng sức (Ví dụ: Bệnh lý nút xoang, bệnh lý đường dẫn truyền phụ,…).
– Các vận động viên thể thao: đánh giá khả năng gắng sức.
3. Theo dõi kết quả điều trị
– Suy mạch vành sau điều trị thuốc hoặc can thiệp tái tưới máu.
– Kiểm tra kết quả điều trị tăng huyết áp.
– Kiểm tra kết quả điều trị rối loạn nhịp tim.
B. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
– Nhồi máu cơ tim mới xảy ra < 48 giờ.
– Hẹp nhánh trái động mạch vành.
– Đau thắt ngực không ổn định với cơn đau lúc nghỉ mới xảy ra.
– Rối loạn nhịp nặng không kiểm soát được.
– Hẹp van động mạch chủ.
– Suy tim không kiểm soát được.
– Tắc mạch phổi, viêm tĩnh mạch tiến triển.
– Viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, viêm nội tâm mạc tiến triển.
– Cục máu đông trong thất trái xuất hiện sau nhồi máu, nhất là cục máu có thể di chuyển.
– Người bệnh tàn tật hoặc từ chối làm nghiệm pháp gắng sức.
III. CHUẨN BỊ BỆNH NHÂN
– Giải thích cho người bệnh mục đích của nghiệm pháp và người bệnh đồng
ý thực hiện nghiệm pháp.
– NPGS được thực hiện sau ăn ít nhất 2 giờ
– Không dùng chất kích thích như rượu, bia, cafe…
– Mặc quần áo rộng, thoải mái, giày…
– Người bệnh vẫn có thể sử dụng thuốc điều trị bệnh và chỉ ngừng thuốc khi có yêu cầu của Bác sỹ.
IV. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
– Tiến hành Nghiệm pháp gắng sức theo cách tăng dần mức độ gắng sức. Người bệnh được khởi động trên thảm chạy và bắt đầu với tốc độ 2,72 Km/giờ với độ dốc là 0%, sau đó cứ 3 phút tăng một mức gắng sức bằng cách tăng độ dốc thảm chạy và tăng tốc độ chạy cho tới khi đạt được tần số tim lý thuyết hay có dấu hiệu buộc phải ngừng nghiệm pháp gắng sức.
– Trước khi làm NPGS người bệnh được ghi điện tâm đồ (ĐTĐ) lúc nghỉ, đếm nhịp tim và đo huyết áp. Ở cuối mỗi giai đoạn gắng sức người bệnh cũng đều được kiểm
tra nhịp tim, huyết áp, và ĐTĐ. Trong quá trình gắng sức bệnh nhân được theo dõi các dấu hiệu cơ năng và theo dõi ĐTĐ liên tục trên monitoring để phát hiện các rối loạn nhịp tim và để quyết định thời gian ngừng NPGS.
V . TAI BIẾN
Nghiệm pháp gắng sức nói chung tương đối an toàn và hiếm khi xảy ra biến chứng nặng nề. Tuy nhiên, trong qúa trình làm nghiệm pháp có thể gây ra một số biến chứng như: tụt huyết áp kéo dài, hoặc nhịp tim quá chậm, vô tâm thu, rung thất hoặc nhịp nhanh thất.
Khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đa khoa Long An đã thực hiện nhiều nghiệm pháp thăm dò chức năng tim mạch trong đó có nghiệm pháp gắng sức điện tâm đồ từ năm 2009 đến nay đã tầm soát và phát hiện nhiều trường hợp bệnh lý động mạch vành ở những bệnh nhân đau ngực không điển hình, lói ngực, khó thở, các rối loạn nhịp tim mà trên điện tâm đồ lúc nghỉ không phát hiện được. Đây là một phương pháp thăm dò không xâm lấn rất có giá trị ở mọi lứa tuổi, rẻ tiền, an toàn.