Nhân một trường hợp đục thủy tinh thể nhân chín trắng
NHÂN MỘT TRƯỜNG HỢP ĐỤC THỦY TINH THỂ NHÂN CHÍN TRẮNG
BSCKI Nguyễn Minh Hải – TK Mắt
Bệnh nhân: NGUYỄN THỊ H Giới tính Nữ Năm sinh 1940
Địa chỉ: Thành phố Tân An, tỉnh Long An.
Ngày nhập viện 14 tháng 6 năm 2021
Lý do vào viện: Mắt (P): nhìn mờ
Bệnh sử: Bệnh nhân mờ mắt (P) đã lâu, mờ từ từ, không đau nhức, không đỏ mắt đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt thì được chẩn đoán: Mắt (P) đục thủy tinh thể người già nhưng bệnh nhân sợ phẫu thuật đồng thời tình hình dịch bệnh căng thẳng nên bệnh nhân tự mua thuốc nhỏ. Cách nhập viện 2 tuần bệnh nhân không còn thấy gì => nhập viện.
Tiền sử: Tăng huyết áp
Khám:
- Thị lực: MP: ST (+), MT: 2/10
- Nhãn áp: MP: 17.3 mmHg, MT: 17.3 mmHg
- Mắt (P): Kết giác mạc trong, tiền phòng sạch, đồng tử tròn 2 ly, phản xạ ánh sáng đều 2 bên , ánh đồng tử tối, đục thủy tinh thể nhân chín trắng.
- Xét nghiệm tiền phẫu: trong giới hạn bình thường.
- Siêu âm B: Võng mạc bình thường.
- Tiên lượng: Nặng
- Phẫu thuật ngày 15 tháng 6 năm 2021: phẫu thuật thành công và bệnh nhân xuất viện trong ngày.
Bàn luận: Đây là một trong những ca bệnh đục thủy tinh thể nặng có thể gặp thất bại trong phẫu thuật (rách bao sau, đứt dây chằng Zinne,…). Đa số do tâm lý chủ quan của người bệnh nghĩ rằng mình già nên mờ mắt, không thăm khám định kỳ để được tư vấn của bác sĩ chuyên khoa mắt. Hôm nay phòng khám mắt gặp rất nhiều bệnh nặng, lý do người dân sợ dịch bệnh + tâm lý chủ quan.
Đục thủy tinh thể là gì?
- Đục thủy tinh thể (cườm khô, cườm đá) là bệnh thường gặp ở người lớn tuổi.
Thủy tinh thể là dạng thấu kính trong suốt, hai mặt lồi giúp ánh sáng đi qua hội tụ tại trung tâm võng mạc. Khi tình trạng trong suốt mất đi, thủy tinh thể chuyển màu mờ đục khiến ánh sáng khó đi qua dẫn đến giảm thị lực, tầm nhìn mờ và nặng hơn là mù lòa.
- Đục thủy tinh thể là nguyên nhân gây mù lòa phổ biến trên thế giới. Theo WHO tỉ lệ mù lòa do đục thủy tinh thể ngày càng tăng.
Nguyên nhân:
- Đa số đục thủy tinh thể do tuổi tác và thường xuất hiện sau 60 tuổi
- Bẩm sinh: trẻ em sinh ra cũng có nguy cơ mắc phải đục thủy tinh thể do rối loạn di truyền, cũng có thể khi mang thai người mẹ mắc các chứng bệnh truyền nhiễm như sởi, giang mai…
- Các nguyên nhân khác: đái tháo đường, dùng corticoid kéo dài, chấn thương, tiếp xúc với tia X, tia cực tím,…
- Triệu chứng : Giảm thị lực là một triệu chứng quan trọng thường bệnh nhân sẽ mờ cả hai bên đôi khi chỉ mờ một bên. Đục thủy tinh thể ảnh hưởng đến tầm nhìn xa sau đó đến tầm nhìn gần và cuối cùng là không thấy gì.
Phương pháp điều trị
- Đục thủy tinh thể là bệnh có thể dẫn đến mù lòa và hiện nay các thuốc không thể làm cải thiện được thị lực.
- Phương pháp điều trị đục thủy tinh thể hiện nay hiệu quả nhất là phẫu thuật + đặt kính nội nhãn.
Điều trị thế nào là đúng lúc
- Bệnh nhân đục thủy tinh thể phải khám định kỳ chuyên khoa mắt để có chỉ định phẫu thuật phù hợp.
- Thị lực < 3/10 có chỉ định phẫu thuật, ngoài ra có thể phẫu thuật cho bệnh nhân có thị lực cao hơn nếu như bệnh nhân bị chóa, ảnh hưởng đến công việc.