Những điều cần biết về biến thể Omicron
SKĐS – Biến thể Omicron đang làm dấy lên sự lo ngại từ các nhà dịch tễ học rằng các đột biến của biến thể mới này có thể khiến virus dễ lây truyền hơn. Các nhà khoa học đang chạy đua để tìm hiểu thêm khi các trường hợp mới nhiễm biến thể này được xác nhận.
Biến thể Omicron liệu có thay thế Delta?
Ngày 21/11, Nam Phi xác nhận rằng phát hiện ra một biến thể coronavirus có số lượng đột biến cao khiến nó dễ lây lan hơn và thành thạo trong việc né tránh hệ thống miễn dịch của cơ thể. Đến ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã dán nhãn biến thể này là một “biến thể đáng quan tâm” và đặt cho nó một cái tên theo bảng chữ cái Hy Lạp: Omicron.
Hiện một số quốc gia, bao gồm Mỹ, đã hạn chế các khách đến từ Nam Phi. Các trường hợp mắc biến thể Omicron đã được xác định ở gần một chục quốc gia.
Hiện còn quá ít nghiên cứu để đưa ra kết luận về biến thể này. Các nghiên cứu đang được tiến hành để xem cách thức vaccine chống lại biến thể mới. Các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng hãy thận trọng nhưng không nên hoảng sợ, trong khi một số chuyên gia bày tỏ sự lạc quan rằng vaccine vẫn cung cấp được sự bảo vệ.
“Đây là biến thể đáng quan tâm nhất mà chúng tôi từng thấy kể từ Delta. Chúng tôi đang xem xét liệu đây có phải là siêu biến thể chiếm chỗ Delta hay không?” – ông Eric Topol, Giám đốc của Viện Dịch thuật Nghiên cứu Scripps (Anh), cho biết.
Biến thể Omicron được xác nhận từ đâu?
Biến thể mới này lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi, nhưng nó đến từ đâu thì vẫn chưa rõ.
Ở Nam Phi, nơi gần 25% dân số trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ, biến thể này đã lây lan nhanh chóng. Có 50 trường hợp nhiễm biến thể coronavirus mới hàng ngày trên 100 nghìn người ở Nam Phi từ ngày 20/ 11 – 28/11, tăng 592% so với tuần trước, theo dữ liệu theo dõi virus của The Washington Post (Mỹ).
Các trường hợp khác cũng đã được xác định ở Australia, Anh, Bỉ, Botswana, CH Séc, Đan Mạch, Đức, Israel, Italia và Hồng Kông. Ngày 28/11, Cơ quan y tế Hà Lan cho biết đã xét nghiệm khoảng 600 hành khách đến từ Nam Phi và phát hiện 61 người bị nhiễm coronavirus, trong đó có 13 trường hợp là do biến thể omicron.
Tăng nguy cơ tái nhiễm hơn các biến thể khác
là duy nhất so với các biến thể đang lưu hành khác, có nghĩa là nó đại diện cho một dòng virus mới. Nó khác biệt với các biến thể khác ở chỗ có nhiều đột biến hơn.
Các nhà khoa học lo lắng rằng những đột biến này có thể làm cho omicron dễ lây truyền hơn và có khả năng chống lại các biện pháp phòng thủ miễn dịch, khiến vaccine kém hiệu quả hơn. Theo WHO, có bằng chứng sơ bộ cho thấy biến thể omicron “tăng nguy cơ tái nhiễm” so với các biến thể khác.
Giáo sư về sức khỏe cộng đồng Linda Bauld thuộc Đại học Edinburgh (Anh) cho biết có những nguyên nhân “thực sự” gây lo ngại rằng “biến thể này trông giống như một biến thể dễ lây truyền hơn”. Tuy nhiên, bà Bauld khẳng định: “Tôi nghĩ rằng còn quá sớm để hoảng sợ. … Có rất nhiều điều chúng ta không biết vào lúc này”.
Nhiều quốc gia “mạnh tay” với Omicron
Trong vòng vài ngày sau khi phát hiện ra biến thể Omicron, một số quốc gia đã bắt đầu áp đặt các hạn chế đối với các chuyến bay đến từ Nam Phi và các nước láng giềng.
Israel đã đóng cửa biên giới của mình đối với “người nước ngoài từ tất cả các quốc gia. Australia, Anh, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan hạn chế người du lịch đến từ Nam Phi hoặc áp đặt các quy định kiểm dịch mới đối với những người đến từ khu vực này. Vương quốc Anh cho biết, họ sẽ yêu cầu tất cả du khách quốc tế phải làm xét nghiệm PCR trong vòng 2 ngày kể từ khi đến và cách ly cho đến khi xét nghiệm của họ cho kết quả âm tính.
Mỹ áp dụng những hạn chế đối với các khách du lịch đến từ Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique và Malawi. Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong một tuyên bố, cho biết động thái này là “một biện pháp phòng ngừa”.
Vaccine có hiệu quả chống lại Omicron không?
Các chuyên gia cho biết, ngay cả khi biến thể này hạn chế hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19, nó sẽ không thể phá vỡ được hoàn toàn sự bảo vệ mà vaccine mang lại.
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Ian Sanne, thành viên của Hội đồng Cố vấn Bộ trưởng của Nam Phi về COVID-19 cho biết, tuy Omicron gây ra tỷ lệ nhiễm trùng đột phá cao hơn trong số những người được tiêm chủng trước đây ở Nam Phi, song dữ liệu ban đầu cho thấy vaccine vẫn đang chứng tỏ hiệu quả, với phần lớn các trường hợp nhập viện là ở những người chưa được tiêm chủng.
“Chúng tôi tìm thấy mọi dấu hiệu cho thấy vaccine vẫn có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nặng hoặc các biến chứng do COVID-19 gây nên. Tuy nhiên, các dữ liệu còn nhỏ lẻ và ban đầu”.
Nhà virus học Jesse Bloom thuộc Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson (Mỹ), người đã tiến hành các thí nghiệm quét đột biến cho biến thể coronavirus nói: “Bất kể biến thể mới này có lây lan hay không, tôi khuyên mọi người nên làm những gì có thể để giảm thiểu khả năng bị nhiễm SARS-CoV-2. Có một số điều rõ ràng bạn có thể làm: Tiêm phòng, tiêm phòng nhắc lại và đeo khẩu trang”.