“Nổi hạch – Có nguy hiểm hay không ?”
“NỔI HẠCH – CÓ NGUY HIỂM HAY KHÔNG ?”
BS. Thạch Thị Ái Xuân – Khoa Giải Phẫu Bệnh
Có lẽ không ít người có người thân, hoặc thậm chí là bản thân bị nổi hạch . “Thế thì hạch đó xuất hiện là do đâu ?; Có nguy hiểm hay không ?; Điều trị như thế nào?”
Trong cơ thể chúng ta có rất nhiều hạch, chúng phân bố từ ổ bụng cho đến dưới bề mặt da. Bình thường các hạch này ở dạng thể chìm nên chúng ta không sờ thấy được, đến khi hạch phải hoạt động mạnh để chống lại tác nhân gây bệnh thì hạch mới sưng to lên. Vì chức năng của hạch là sản sinh ra dòng và kháng thể chống lại các tác nhân gây bệnh.
Tùy theo vị trí tác nhân gây bệnh sẽ có những hạch – nhóm hạch nổi khác nhau, kích thước khác nhau, có thể di động hoặc không, ấn đau hoặc không đau, giới hạn rõ hay không, mật độ ( mềm, cứng, chắc,..)…
Ví dụ: các viêm nhiễm ở vùng đầu cổ như viêm mũi họng, viêm Amydal, viêm tuyến nước bọt, sâu răng,.. là nguyên nhân thường gặp nhất đối với hạch cổ to. Ngoài ra hạch còn có thể nổi ở nách, bẹn, thượng đòn,..
Như đã nói phía trên, hạch có thể nổi do “phản ứng tự bảo vệ” của cơ thể, tức là hạch bắt – giữ lại tác nhân gây bệnh. Nhưng đôi khi, nổi hạch lại báo hiệu một bệnh lý bất thường khác.
Do đó khi nổi hạch, bạn cần đến cơ sở y tế để thăm khám để có kết quả chẩn đoán chính xác nhất. Tùy theo tính chất của hạch mà bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp ( nội khoa hay ngoại khoa).