Tác dụng không ngờ của nghệ với dạ dày
Thành phần của nghệ vàng
Trong thành phần hóa học của củ nghệ, các nhà khoa học đã xác nhận được rất nhiều hợp chất khác nhau có lợi cho sức khỏe gồm: các curcuminoid, tinh dầu nghệ, protein, các chất vô cơ, hợp chất vi lượng, chất xơ và tinh bột nghệ.
Trong đó, các curcuminoid chiếm khoảng 2-7%, tinh bột chiếm 40-50%, tinh dầu nghệ chiếm 5-6%, protein, chất béo và các chất khoáng chiếm 14-15%, còn lại là chất xơ và các chất khác.
TS. Phạm Thế Hải cho biết: Thành phần quý nhất trong củ nghệ được các nhà khoa học nghiên cứu là curcumin (chỉ chiếm khoảng 0,3%) có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa, có khả năng giải độc gan, kích thích tiết mật.
Riêng đối với dạ dày, curcumin giúp giảm các yếu tố tấn công gây tổn thương niêm mạc dạ dày, ức chế vi khuẩn HP, kích thích các tế bào bảo vệ hoạt động, đồng thời giảm các yếu tố gây viêm. Do vậy, trong y học cổ truyền và cả y học hiện đại, nghệ thường được dùng cho các bệnh về dạ dày, tá tràng.
Chuyên gia hướng dẫn cách dùng nghệ “đúng chuẩn”
Nghệ trong Đông y nghiên cứu là có vị cay, đắng, tính ôn, có tác dụng phá huyết, sinh cơ (tức là kích thích lên da), chỉ huyết. Nghệ thường được dùng trong bệnh đau dạ dày, vàng da, phụ nữ sinh nở xong mà bị đau bụng. Nghệ còn được sử dụng để bôi lên các vết thương trên da để đỡ sẹo.
Hiện nay, có nhiều người băn khoăn nên dùng nghệ tươi hay tinh nghệ và nên dùng nghệ ở dạng nào thì hấp thu vào cơ thể sẽ tốt hơn? Về vấn đề này, TS. Phạm Thế Hải cho rằng, tinh nghệ là từ mà trong dân gian hay sử dụng, ý chỉ là phần tinh túy của củ nghệ. Tuy nhiên, từ “tinh nghệ” lại khiến nhiều người khó hiểu bởi trên thị trường còn các sản phẩm được gọi là “tinh bột nghệ” hoặc “bột nghệ”.
“Bột nghệ là nghệ tươi rửa sạch, thái lát, phơi khô, nghiền nhỏ. Thành phẩm thu được có màu vàng đậm, mùi hắc của nghệ. Nếu chỉ nhìn bề ngoài dễ nhầm lẫn với tinh bột nghệ chuẩn. Loại bột nghệ này chưa được lọc tách chất xơ, tẩy nhựa, tách dầu… nghĩa là vẫn còn chứa nhiều chất không có lợi cho sức khỏe con người. Đó là chưa kể quá trình phơi khô dưới ánh nắng mặt trời sẽ làm lượng Curcumin có trong nghệ mất dần. Thường dùng để tạo màu cho món ăn, ngoài ra không có giá trị sử dụng trong dược mỹ phẩm”.
Trong khi đó, tinh bột nghệ là sản phẩm được làm bằng cách nghệ tươi sau khi được rửa sạch sẽ đem gọt vỏ, loại bỏ các axit nhựa, đem thái lát, sấy khô, nghiền nhỏ rồi sàng lọc chất xơ và các tạp chất, sau đó tách tinh dầu để thu được tinh bột nghệ vàng nguyên chất chứa curcumin và các chất có lợi. Như vậy, có thể hiểu tinh nghệ chính là tinh bột nghệ hay là phần bột chứa curcumin.
Tuy nhiên, để có được 1kg tinh nghệ, người ta phải dùng ít nhất 35kg nghệ tươi, chính vì vậy tinh nghệ có giá khá cao, thường được dùng để chăm sóc sức khỏe, làm đẹp.
TS. Phạm Thế Hải cũng lưu ý, khi nhắc đến việc hấp thu các chất trong nghệ, người ta quan tâm nhất là khả năng hấp thu curcumin bởi đây là hợp chất có hoạt tính tốt nhất cho cơ thể. Curcumin ở trong tinh nghệ tồn tại dạng phức chất, rất khó tan, khi vào cơ thể hầu như không thể hấp thu được và bị đào thải ra ngoài. Do đó, các nhà khoa học luôn nghiên cứu cách để làm tăng độ tan của curcumin.
“Để tăng độ tan của curcumin có nhiều cách như bào chế kích thước hạt curcumin siêu nhỏ, tạo ra các phức chất mới của curcumin để làm tăng độ tan hoặc gói curcumin vào các túi phân tử vận chuyển để tăng sự hấp thu… Do vậy, người dùng nên sử dụng các dạng curcumin đặc biệt này. Hiện nay, ở nước ta, phổ biến nhất là dạng curcumin bào chế kích thước nano siêu nhỏ, có gắn acid folic hướng đích, giúp tăng khả năng tập trung và hấp thu của curcumin gấp 70 lần so với nano curcumin thông thường. Hàm lượng curcumin trong viên sủi nghệ cũng đạt rất cao, 3 viên sủi nghệ tương đương với 4kg nghệ tươi. Do đó curcumin hướng đích có tác dụng rất tốt đối với người có bệnh lý viêm loét dạ dày”- TS. Hải tư vấn.
Suckhoedoisong.vn