Tình trạng cận thị học đường trong trẻ em ngày nay và các biện pháp phòng tránh
TÌNH TRẠNG CẬN THỊ HỌC ĐƯỜNG TRONG TRẺ EM NGÀY NAY VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH
BS Trương Thị Cẩm Nhi – Khoa Mắt
Định nghĩa cận thị: Cận thị là tình trạng mắt chỉ có khả năng nhìn các vật ở gần, không nhìn được các vật ở xa.
Cận thị học đường hiện nay đã và đang là vấn đề rất phổ biến đối với lứa tuổi học sinh đặc biệt là ở lứa tuổi ngày càng trẻ và gây ra nhiều phiền toái cho trẻ.
Ngày càng nhiều trẻ đến khám các bệnh về mắt cận thị
Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương năm 2017, cả nước ta có gần 5 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học mắc tật khúc xạ, trong đó số trẻ bị cận thị chiếm tới hơn 40% và tập trung chủ yếu ở thành thị.
Cận thị là một loại tật khúc xạ phổ biến hay gặp nhất ở lứa tuổi học sinh. Khi bị cận thị trẻ sẽ gặp trở ngại khi nhìn xa ảnh hưởng tới khả năng học tập, vui chơi và sinh hoạt hàng ngày của các em, …. lý do chính xuất phát từ sự phát triển của công nghệ hiện nay, tư thế làm việc và ngồi học không đúng, môi trường sống và sức ép học tập ngày càng nâng cao
Cận thị thường không có những dấu hiệu rõ ràng nên rất khó phát hiện. Trẻ em thường không hiểu rõ tật cận thị là gì nên khó mô tả cho người lớn hiểu rõ đến khi cha mẹ phát hiện thì trẻ đã bị cận nặng. Vì thế các bậc cha mẹ cần quan tâm chú ý nhiều hơn đến biểu hiện của con cái giúp phát hiện kịp thời tật cận thị.
Nếu trẻ có các biểu hiện sau cần đưa trẻ đến các bệnh viện mắt gần nhất để khám và điều trị.
- Đọc sách và xem ti vi ở khoảng cách gần, lạc chỗ khi đọc hoặc dùng ngón tay để hướng dẫn mắt.
- Nheo mắt khi nhìn vật ở xa hoặc nghiêng đầu để quan sát rõ hơn.
- Thường xuyên nhức đầu khi đọc sách hay học tập trong khoảng thời gian dài.
- Chớp mắt hoặc dụi mắt liên tục, nghiêng đầu để dùng một mắt này nhiều hơn mắt kia.
CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH VÀ CHĂM SÓC MẮT
Để phòng tránh tật cận thị học đường các bậc cha mẹ cần chú ý điều chỉnh tư thế ngồi học đúng cho trẻ, thay đổi thói quen sinh hoạt, hạn chế cho trẻ sử dụng các thiệt bị công nghệ và chăm sóc cho mắt.
- Ngồi thẳng lưng, mắt giữ cự ly từ 25cm – 35cm đến vở.
- Phòng học đủ ánh sáng, bàn ghế phù hợp.
- Thường xuyên để mắt nghỉ ngơi, cứ mỗi 20 phút học nên để mắt nghỉ ngơi 1-2 phút, không để mắt làm việc liên tục trong 60 phút.
- Khi đi ra ngoài cần che chắn cho mắt tránh ánh sáng mạnh chiếu trực tiếp vào mắt.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Tăng cường vệ sinh mắt hằng ngày để phòng nhiễm khuẩn mắt.
- Đi khám mắt định kỳ để kịp thời phát hiện tật khúc xạ của trẻ.
- Cách đeo kính đúng cách:
– Đo thị lực chính xác và cắt kính phù hợp với độ cận. Kiểm tra thị lực 3 -6 tháng/lần.
– Đeo kính thường xuyên hay không thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ.
– Đeo kính đúng.
– Thường xuyên vệ sinh kính.
– Nắn chỉnh gọng kính vừa khuôn mặt, không quá chật cũng không quá lỏng.
– Không đeo kính chung với người khác