Trẻ nhiễm giun kim cách nào chữa trị?
SKĐS – Nhiễm giun kim rất phổ biến, thường gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường thấy nhất là ở trẻ em. Bệnh không nguy hiểm nhưng làm rối loạn tiêu hóa cho nên trẻ kém ăn, suy dinh dưỡng và nhiều hệ lụy khác… Vậy có cách nào để chữa trị?
1. Kiểm soát giun kim
Ở trẻ em, giun kim rất dễ truyền từ trẻ này sang trẻ khác, đặc biệt ở các trung tâm nuôi dạy trẻ. Dù nhiễm giun kim rất phiền toái cho trẻ, nhưng nó không nguy hiểm, mặc dù một số trường hợp giun kim có khả năng mang vi khuẩn trong phân tới đường sinh dục nữ và gây viêm âm đạo.
Trẻ ăn phải trứng giun kim trong móng tay, trên quần áo, hay chăn nệm, hoặc bụi trong nhà. Trứng nở trong dạ dày và ấu trùng xâm nhập vào ruột, ở đó chúng phát triển thành những con giun trắng dài tầm 1cm. Về đêm, giun cái đẻ trứng gần hậu môn của trẻ. Trẻ gãi chỗ ngứa, điều này khiến móng tay bé dính thêm trứng giun và trẻ có thể ăn lại chúng vào ngày hôm sau.
Cách xử trí:
– Giun kim có thể bị tiêu diệt bằng thuốc sổ giun trong một vài ngày. Do hiện tượng tái nhiễm rất phổ biến, nên có thể cần phải lặp lại điều trị.
– Giặt chăn ga và quần áo bằng nước nóng để loại bỏ trứng và ngăn giun kim lan rộng. Nên sổ giun định kỳ cho cả nhà.
– Thuốc điều trị giun kim: Albendazole 400mg uống 1 lần khi bụng rỗng, nhắc lại sau 2 tuần. Hoặc mebendazole 100mg uống 1 lần, nhắc lại sau 2 tuần.
– Pyrantel pamoate 11mg/kg, tối đa 1g, nhắc lại liều trên sau 2 tuần.
2. Lưu ý khi dùng thuốc tẩy giun
Tẩy giun định kỳ nói chung và giun kim nói riêng khi trẻ từ 2 tuổi trở lên. Với trẻ dưới 2 tuổi, khi nghi ngờ nhiễm giun thì cần đưa bé đi khám để được làm các xét nghiệm tầm soát. Nếu có đủ bằng chứng trẻ có nhiễm giun, bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị cụ thể, không nên tự mua thuốc về tẩy giun cho trẻ dưới 2 tuổi.
Mặc dù với các chế phẩm thuốc hiện nay tiện sử dụng, có thể được uống trong hoặc ngay sau bữa ăn, không cần nhịn đói hay ăn kiêng, nhưng nên cho trẻ uống buổi sáng, trước khi ăn sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất.
Khi cho trẻ uống thuốc tẩy giun, có thể gặp một số tác dụng phụ như đau đầu, nôn, buồn nôn, chóng mặt, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy. Các triệu chứng này thường nhẹ và sẽ tự khỏi sau vài ngày.
Một số ít trường hợp, trẻ có thể có phản ứng dị ứng với thuốc: Phát ban, ngứa, nổi mề đay. Nếu trẻ gặp phải các tác dụng phụ này, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Ngoài ra, sau khi trẻ uống thuốc, nếu trẻ mệt mỏi nên cho trẻ uống thêm nhiều nước, nước trái cây, sữa… Nếu trẻ có biểu hiện mệt hơn kèm theo nôn ói, cũng cần đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra và xử trí kịp thời.
Trong việc chăm sóc trẻ cần thực hành các nguyên tắc vệ sinh môi trường sạch sẽ, vệ sinh đồ chơi cho bé thường xuyên; thực hiện ăn chín uống sôi… để tránh tái nhiễm giun.