Uống đủ nước giúp ngăn ngừa triệu chứng viêm khớp dạng thấp
SKĐS – Đối với những người bị viêm khớp dạng thấp, mất nước có thể dẫn đến đau khớp nghiêm trọng hơn và xuất hiện các triệu chứng khó chịu khác.
Việc cung cấp đủ nước cho cơ thể là rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể, nhưng đối với người bị viêm khớp dạng thấp (RA), tiêu thụ đủ chất lỏng là đặc biệt quan trọng để duy trì hoạt động các khớp được trơn tru và phòng ngừa các triệu chứng.
Các triệu chứng viêm khớp dạng thấp có thể tăng lên khi không uống đủ nước hoặc nếu ở trong tình trạng quá nóng. Khớp trở nên cứng hơn, người mệt mỏi, chậm chạp…
Nước đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp các bộ phận khác nhau của cơ thể hoạt động tốt nhất. Thiếu chất lỏng có thể làm tăng tình trạng viêm và làm giảm lượng chất lỏng đệm khớp.
May mắn, các biện pháp đơn giản có thể giúp bạn tránh những tác động tiêu cực của việc mất nước.
Viêm khớp dạng thấp là một căn bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào khớp và các mô khác, dẫn đến các triệu chứng như đau khớp, mệt mỏi, viêm và cứng khớp…
1. Mất nước ảnh hưởng như thế nào đến người viêm khớp dạng thấp?
Theo Mayo Clinic, tình trạng mất nước xảy ra khi cơ thể không có đủ chất lỏng để thực hiện các chức năng bình thường do sử dụng hoặc mất nhiều chất lỏng hơn mức tiêu thụ.
Mặc dù nghiên cứu về mối quan hệ chính xác giữa mất nước và RA còn hạn chế, nhưng các nhà khoa học cho biết, việc bổ sung đủ nước sẽ giúp cho khớp hoạt động trơn tru hơn.
TS. Betty Hsiao, bác sĩ thấp khớp Trường Y Yale ở New Haven cho biết: Chưa có nghiên cứu nào cho thấy tác động của mất nước đối với những người bị viêm khớp dạng thấp, nhưng có bằng chứng cho thấy hydrat hóa có thể giúp duy trì sức khỏe khớp.
Hydrat hóa là quá trình bổ sung các phân tử nước vào các hợp chất hữu cơ. Uống đủ nước sẽ tạo điều kiện cho các phản ứng hydrat hóa được diễn ra nhiều hơn nhằm bổ sung nước cho các cơ quan trong cơ thể.
Theo Tổ chức viêm khớp, giữ đủ nước là điều quan trọng để thải độc tố ra khỏi cơ thể, từ đó có thể làm giảm viêm.
2. Sụn cần hydrat hóa để duy trì sức khỏe và chức năng
Hydrat hóa cũng rất quan trọng đối với sụn khỏe mạnh, mô bao phủ các đầu xương và cho phép chúng hoạt động trơn tru mà không cọ xát với nhau.
Có đến 65 – 80% sụn là nước. Khi được cung cấp đủ nước, ma sát giữa các xương sẽ giảm đi, do đó có thể di chuyển dễ dàng hơn.
Có thể hình dung so sánh hình ảnh sụn với một miếng bọt biển. Khi một miếng bọt biển được ngậm nước, sẽ ướt, mềm và dễ thao tác. Nhưng khi nó khô đi, trở nên cứng và khó sử dụng.
Ngoài ra, nếu bị mất nước, sẽ ảnh hưởng đến hoạt dịch – chất nhầy nằm giữa các khớp có tác dụng bôi trơn hệ thống xương khớp, nuôi dưỡng sụn khớp, đóng vai trò như một tấm đệm và giúp ngăn ma sát khi bạn di chuyển. Tiến sĩ Hsiao giải thích: “Nước là thành phần chính của chất lỏng hoạt dịch, vì vậy duy trì đủ nước có thể giúp giữ cho các khớp khỏe mạnh”.
Một số nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ nước hydro (nước có thêm khí hydro) có thể làm giảm các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp. Ý tưởng là thêm hydro vào nước làm tăng tác dụng chống viêm và chống oxy hóa, nhưng cần nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận những phát hiện này.
3. Các dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng mất nước ở những người viêm khớp dạng thấp
Theo Mayo Clinic, một số dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng mất nước cần chú ý bao gồm:
- Đau đầu
- Ngất xỉu hoặc chóng mặt
- Khát nước
- Chuột rút
- Nước tiểu sẫm màu
- Đi tiểu ít thường xuyên hơn
- Sự hoang mang
- Buồn ngủ
- Da hoặc miệng khô
4. Nên uống bao nhiêu nước?
Lượng nước tiêu thụ phụ thuộc vào giới tính, độ tuổi và mức độ hoạt động hằng ngày. Ngoài ra, một số loại thuốc có thể yêu cầu tiêu thụ nhiều chất lỏng nhiều hơn.
Ví dụ, methotrexate là thuốc thường được sử dụng trong điều trị viêm khớp dạng thấp. Chất này được đào thải qua thận, vì vậy điều quan trọng là phải uống đủ nước khi dùng methotrexate để giúp ngăn ngừa nhiễm độc thận.
Mặc dù không có hướng dẫn về hydrat hóa dành riêng cho những người bị viêm khớp dạng thấp, nhưng Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Hoa Kỳ khuyến cáo:
– Đàn ông trưởng thành nên tiêu thụ 3,7 lít, hoặc khoảng 16 cốc nước mỗi ngày .
– Phụ nữ trưởng thành nên tiêu thụ 2,7 lít (khoảng 11 cốc) nước mỗi ngày.
Tổng lượng nước tiêu thụ hàng ngày trong các khuyến nghị này có thể đến từ cả đồ uống và thực phẩm.
Các hướng dẫn này là một nguyên tắc chung, nhưng một số người có thể cần tiêu thụ nhiều hơn hoặc ít chất lỏng hơn tùy thuộc vào thời tiết, mức độ hoạt động của họ hoặc các yếu tố khác.
Dưới đây là một số cách khác để giữ đủ nước:
– Đặt một thói quen uống nước: Một số người thấy hữu ích khi uống một cốc nước sau mỗi lần đi vệ sinh hoặc trước mỗi bữa ăn.
– Theo dõi mức tiêu thụ của bạn: Một số bình nước công nghệ cao kết nối với điện thoại thông minh giúp bạn ghi lại lượng nước đã uống.
– Đặt lời nhắc: Báo thức hàng ngày trên điện thoại hoặc máy tính nhắc giờ uống nước.
– Tránh đồ uống khử nước: Đồ uống có chứa cồn hoặc caffein có thể kéo nước ra khỏi cơ thể và làm bạn mất nước.
– Ăn thực phẩm hỗ trợ quá trình hydrat hóa: Thực phẩm như trái cây, rau và súp chứa hàm lượng nước cao.
Mặc dù uống nhiều nước hơn sẽ không chữa khỏi bệnh viêm khớp dạng thấp, nhưng việc cung cấp đủ nước có thể giúp cải thiện sức khỏe khớp và giữ cho các khớp được bôi trơn. Khi đủ nước, toàn bộ cơ thể sẽ hoạt động tốt hơn, và bạn có thể có nhiều năng lượng hơn và cải thiện tâm trạng.
Nhưng cũng đừng nên lạm dụng, bởi uống quá nhiều nước có thể gây hạ natri máu – một tình trạng đặc trưng bởi lượng natri trong máu thấp. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ nếu còn lo lắng về việc không uống đủ chất lỏng.