Viêm mũi xoang ở trẻ em: Điều trị và phòng ngừa thế nào?
SKĐS – Viêm mũi xoang là tình trạng viêm niêm mạc mũi và các xoang cạnh mũi, gặp nhiều ở lứa tuổi nhỏ. Nếu không chủ động phòng ngừa, trẻ rất dễ bị nhiễm bệnh, gây khó chịu, thậm chí dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm mũi xoang ở trẻ em, trong đó nguyên nhân do các loại virus, vi khuẩn, vi nấm là phổ biến nhất.
Vi khuẩn gây bệnh viêm xoang gặp chủ yếu là Hemophillus influenzae, Streptococcus pneumoniae, trực khuẩn mủ xanh, E.coli, cầu khuẩn (tụ cầu và liên cầu)… Các loài vi khuẩn này di chuyển từ họng, hầu, mũi, phế quản lên các xoang và gây viêm xoang cho trẻ.
Viêm mũi xoang thường gặp ở trẻ dưới 6 tuổi, đặc biệt là ở trẻ có cơ địa dị ứng, viêm VA, viêm amidan hoặc sống trong môi trường nhiều khói bụi, tiếp xúc với khói thuốc lá.
Bệnh thường khởi đầu bằng các bệnh lý sau:
- Viêm đường hô hấp trên: Chảy mũi, ho, ngạt mũi, sốt nhẹ, nhiều khi hết thuốc bệnh lại tái phát, thường dẫn đến biến chứng viêm tai giữa cấp tính.
- Viêm mũi dị ứng: Khò khè, chảy nước mũi.
- Hen phế quản: Viêm phế quản mạn tính, trẻ khó thở từng cơn do phế quản co thắt, niêm mạc phế quản phù nề và xuất tiết dịch nhầy, khó thở ra.
- Suy giảm miễn dịch
- Bất thường giải phẫu về hốc mũi như vẹo vách ngăn,quá phát cuốn mũi, quá phát VA vòm, VA vòi.
Các nguyên nhân trên kéo dài dai dẳng làm cho niêm mạc mũi bị phù nề, tắc lỗ thông mũi xoang, ứ đọng dịch trong xoang, dẫn đến viêm xoang.
2. Các triệu chứng của viêm mũi xoang
Những triệu chứng sau đây có thể nghĩ đến viêm mũi xoang: Trẻ có biểu hiện sốt nhẹ kéo dài, sổ mũi, nước mũi có màu vàng – xanh, chảy nước mũi xuống họng gây đau họng, ho, hơi thở hôi, nôn ọe.
Trẻ trên 6 tuổi có triệu chứng kèm theo như nhức đầu, mệt mỏi, khó chịu, phù nề quanh mắt.
Tùy vào thời gian diễn biến của bệnh, viêm mũi xoang được chia làm ba thể:
– Viêm mũi xoang cấp tính kéo dài dưới 4 tuần
– Viêm mũi xoang bán cấp kéo dài từ 4 đến 8 tuần
– Viêm mũi xoang mạn tính kéo dài ít nhất 8 đến 12 tuần dù có điều trị.
3. Các thuốc điều trị
3.1. Thuốc kháng sinh
Sử dụng kháng sinh nhằm mục đích tiêu diệt hoặc kìm hãm sự phát triển của tác nhân gây nhiễm trùng do vi khuẩn.
Kháng sinh đầu tay trong điều trị viêm mũi xoang cấp là amoxicillin + clavulanate, kéo dài 7-14 ngày. Trường hợp có dị ứng với kháng sinh nhóm penicillin, có thể cân nhắc sử dụng kháng sinh nhóm cephalosporin hoặc macrolid.
Dùng đúng liều bác sĩ khuyến cáo. Trong quá trình dùng thuốc cần theo dõi các tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra (thường gặp rối loạn tiêu hóa), báo cho bác sĩ biết để được tư vấn, xử lý thích hợp.
3.2. Thuốc chống sung huyết
Thuốc có tác dụng giảm tình trạng nghẹt mũi, giúp thông thoáng mũi và các lỗ thông xoang. Các thuốc như oxymetazolin 0.05%, xylometazolin 0.05% có thể dùng dưới dạng thuốc nhỏ mũi hay thuốc phun mù. Thời gian dùng trong 3 – 5 ngày.
Khi nhỏ tại chỗ vào hốc mũi, thuốc được thấm qua niêm mạc mũi vào mạch máu nhỏ trên niêm mạc và gây giãn mạch, gây giảm lưu lượng máu đến các vùng niêm mạc bị phù nề, ứ huyết. Từ đó thúc đẩy chảy các dịch ứ đọng tại các xoang hốc mũi và làm giảm ngạt mũi, thông thoáng đường thở.
Dùng quá nhiều thuốc chống sung huyết có thể làm thuốc đi vào máu nhiều hơn gây các tác dụng phụ toàn thân. Vì vậy, các loại thuốc chống sung huyết chỉ được phép dùng khi có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi.
3.3. Thuốc xịt mũi chứa corticoid
Công dụng chính của thuốc xịt mũi chứa corticoid là làm giảm tình trạng viêm của niêm mạc mũi, giảm tắc nghẽn, tái lập đường dẫn lưu xoang.
Thuốc nhỏ/xịt mũi có corticoid chủ yếu có tác dụng tại chỗ. Tuy nhiên, nếu dùng không đúng, chẳng hạn như sử dụng trong thời gian dài, liều cao và không giảm liều trước khi ngưng sẽ gây ra các tác dụng phụ như:
– Tác dụng phụ tại chỗ: Kích ứng niêm mạc mũi, chảy máu cam hay có vết máu trong chất tiết của mũi, làm khô và teo niêm mạc mũi, loét vách mũi.
– Tác dụng phụ toàn thân: Khi dùng các thuốc nhỏ mũi/xịt mũi chứa corticoid lâu dài, có thể có nguy cơ loãng xương, tăng nhãn áp hay đục thủy tinh thể. Bên cạnh đó, cần theo dõi ảnh hưởng trên tăng trưởng của trẻ em khi có sử dụng các thuốc này.
Vì vậy, để sử dụng thuốc đúng, đặc biệt là đối với trẻ em, cần lưu ý những chỉ dẫn như sau:
- Không tự ý mua và sử dụng thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
- Không tự ý ngừng sử dụng thuốc giữa chừng mà cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về liều dùng và thời gian sử dụng thuốc.
3.4. Rửa mũi giảm nghẹt
Dùng nước biển sâu hoặc nước mũi sinh lý rửa mũi 2-3 lần/ngày giúp cho nước mũi loãng ra và dễ chảy ra hơn.
Để trẻ ngồi, đầu hơi cúi về phía trước, rồi dùng nước biển sâu hoặc nước muối sinh lý xịt vào mũi của trẻ, hoặc có thể để trẻ nằm nghiêng rồi xịt vào một bên mũi để nước chảy qua mũi bên kia. Sau đó, có thể dùng tăm bông ngoáy lấy dịch ra nếu là trẻ sơ sinh, hoặc yêu cầu trẻ tự xì ra nếu trẻ đã lớn.
Lưu ý, không nên cho trẻ xông mũi bằng nước ấm nhỏ thêm tinh dầu vì có thể gây sưng niêm mạc mũi, khiến cho việc thở của trẻ khó khăn hơn, nhất là với trẻ nhỏ.
4. Cách phòng ngừa viêm mũi xoang ở trẻ em
Để phòng ngừa viêm mũi xoang ở trẻ em, cần kiểm soát các nguyên nhân nhiễm trùng (vi khuẩn, virus…) bằng cách hạn chế tiếp xúc với những người bị cảm hoặc nhiễm khuẩn đường hô hấp trên do virus. Nếu tiếp xúc phải rửa tay thường xuyên, vệ sinh các bề mặt, đồ chơi bị nhiễm bệnh.
Sử dụng máy phun sương, tạo ẩm không khí trong nhà để làm ẩm không khí cũng là một biện pháp phòng ngừa viêm mũi xoang ở trẻ em.
Ngoài ra, cần tránh xa các yếu tố gây dị ứng như khói thuốc lá, bụi nhà, phấn hoa… Trong những yếu tố trên, khói thuốc lá là yếu tố nguy hại số 1. Trong gia đình có người hút thuốc lá, hoặc thậm chí khói thuốc lá bám trên quần áo cha mẹ, người chăm sóc trẻ khiến trẻ vô tình hít phải, làm cho niêm mạc mũi xoang bị viêm nặng hơn.