Game nổ hũ | Ứng dụng cờ bạc trực tuyến

Chuyên đề: BỆNH VAN TIM

BỆNH VAN TIM

BS CK II Nguyễn Trung Hiếu – TK Nội tim mạch

Câu hỏi: Van tim là gì? Bệnh van tim là gì?

1.Van tim là gì :

Quả tim bình thường có 4 buồng tim là hai tâm nhĩ ở trên và hai tâm thất ở dưới, giữa các buồng tim có các cấu trúc đảm bảo cho tuần hoàn máu chỉ đi theo một chiều người ta gọi là các van tim. Giữa nhĩ trái và thất trái được ngăn với nhau bởi van hai lá cho máu đi một chiều từ nhĩ trái xuống thất trái, dòng máu từ thất trái qua van động mạch chủ vào động mạch chủ đưa máu đi nuôi toàn cơ thể. Giữa nhĩ phải và thất phải ngăn cách với nhau bởi van ba lá cho máu đi một chiều từ nhĩ phải xuống thất phải, dòng máu từ thất phải qua van động mạch phổi vào động mạch phổi đưa máu lên phổi để trao đổi oxy. Như vậy quả tim bình thường có 4 cấu trúc van tim là van động mạch chủ, van động mạch phổi, van hai lá và van ba lá đảm bảo cho dòng máu luân chuyển theo một chu trình sinh lý.

  1. Bệnh van tim

Hệ thống van tim là các cấu trúc đảm bảo cho máu lưu chuyển giữa các buồng tim theo một chu trình nhất định. Bình thường các van tim này là các cấu trúc thanh mảnh, mềm mại, cấu tạo bởi các lá van tim, và được cố định bằng các dây chằng, cột cơ. Vì một nguyên nhân nào đó, các lá van này mất đi độ mềm mại, thanh mảnh, bị dầy lên, dính vào nhau, hoặc vôi hóa (như trong bệnh van tim do thấp) hoặc các dây chằng cố định van tim bị sa xuống, đứt (như trong nhồi máu cơ tim) làm cho các van này không hoạt động được bình thường dẫn đến các bệnh lý van tim. Khi các van tim trở nên dày và cứng hoặc dính các mép van làm hạn chế khả năng mở của van tim, gây cản trở dòng máu, hiện tượng này gọi là hẹp van tim. Khi các van tim đóng lại không kín do giãn vòng van, thoái hoá, dính, co rút hoặc các dây chằng van tim quá dài… làm cho dòng máu có thể trào ngược lại trong thời kỳ đóng van gây ra hiện tượng này gọi là hở van tim. Các tổn thương trên có thể gặp ở tất cả các van tim, có thể do nguyên nhân bẩm sinh hoặc mắc phải. Các tổn thương van tim (hẹp hoặc/và hở van) đều có thể gây ra các rối loạn huyết động (tức là rối loạn lưu chuyển máu) và dẫn đến hậu quả bệnh lý từ mức độ nhẹ đến nặng.

Nguyên nhân gây bệnh lý van tim thường gặp nhất ở Việt Nam là thấp tim. Thấp tim thường gây dày dính, co kéo, vôi hóa hệ thống van tim, làm cho van bị hẹp, lâu ngày dẫn đến đóng không kín gây bệnh cảnh hẹp – hở van, thường gặp nhất là van hai lá và van động mạch chủ. Các nguyên nhân gây bệnh lý van tim ít gặp hơn như bẩm sinh (do sa van), do nhồi máu cơ tim (đứt dây chằng cột cơ gây hở van tim thường gặp nhất là van hai lá), do giãn các buồng tim trong bệnh lý suy tim do tăng huyết áp, bệnh cơ tim chu sản, bệnh cơ tim giãn vô căn…

Câu hỏi : Làm thế nào phát hiện mình bị bệnh van tim ?

Đa số các bệnh lý van tim đều tiến triển từ từ, giai đoạn đầu thường không có triệu chứng gì, đến khi có biểu hiện lâm sàng thường là giai đoạn muộn, đã có suy tim hoặc biến chứng khác. Do đó, khám sức khỏe định kì là biện pháp tốt nhất để phát hiện các bệnh lý tim mạch nói chung cũng như bệnh van tim nói riêng. Khi nghi ngờ có bệnh van tim có rất nhiều phương pháp để xác định từ đơn giản đến các xét nghiệm kỹ thuật cao giúp bác sỹ xác định chính xác bệnh nhân có bệnh van tim hay không ? Mức độ tổn thường các van tim, cũng như ảnh hưởng của nó đến hoạt động của quả tim

–         Phần lớn các trường hợp van tim có thể phát hiện bằng ống nghe tim. Dòng chảy bất thường của máu thường tạo ra 1 âm thanh: tiếng thổi. Đối với 1 bác sỹ có kinh nghiệm, việc nghe tim có thể đem lại nhiều thông tin hữu ích cho chẩn đoán.

–         Điện tim đồ: Đường ghi lại hoạt động điện của tim nhưng nhiều trường hợp có ít giá trị trong chẩn đoán bệnh van tim (đặc biệt giai đoạn sớm)

–         X Quang: Là 1 xét nghiệm đơn giản có thể đem lại các thông tin về tổn thương giãn buồng tim, bằng chứng của suy tim ứ huyết và các tổn thương khác phối hợp.

–         Siêu âm tim: Là 1 phương pháp rất có giá trị trong các bệnh van tim. Đây là phương pháp thăm dò không chảy máu có thể cho thấy hình ảnh các van tim, cơ tim thông qua nguyên lý siêu âm. Siêu âm tim có thể cho thấy hình ảnh rõ về các van tim cũng như giúp đánh giá mức độ hẹp, hở van trong nhiều trường hợp với độ chính xác cao.

–         Thông tim: Được chỉ định trong 1 số trường hợp để đánh giá 1 cách chính xác tổn thương van tim, cơ tim, các mạch máu.

Những trường hợp bệnh van tim giai đoạn sớm triệu chứng lâm sàng thường nghèo nàn. Đôi khi bệnh nhân biểu hiện bằng tức ngực, cảm giác trống ngực, khó thở khi gắng sức, hay đôi khi được mô tả bằng cảm giác hụt hơi. Khi có bất cứ biểu hiện bất thường trên nên đi khám bác sĩ để kiểm tra xem mình có bệnh lý van tim gì hay không? Một số trường hợp biểu hiện đầu tiên của bệnh nhân là liệt nửa người, méo miệng, hoặc đau dữ dội một chân, đó là các biểu hiện của tắc mạch cấp do cục máu đông từ tim trôi vào các mạch máu nhỏ gây tắc mạch. Các cục máu đông này thường được hình thành trong trường hợp bệnh nhân có hẹp khít van hai lá, tim đập loạn nhịp khiến dễ hình thành cục máu đông trong buồng tim.

Câu hỏi : Tôi hoàn toàn khoẻ mạnh, khám sức khoẻ định kỳ được làm siêu âm tim phát hiện hở van hai lá rất nhẹ, hở van ba lá nhẹ. Vậy có nguy hiểm không ? Tôi phải làm gì ?

Hở van tim là tình trạng van tim đóng không kín dẫn đến dòng máu phụt ngược lại trong buồng tim gây ứ máu ở tim làm tim phải làm việc nhiều hơn để đẩy cả lượng máu ứ đó đi, lâu dẫn có thể dẫn đến suy tim. Tuỳ theo mức độ hở nặng hay nhẹ mà ảnh hưởng đến chức năng tim khác nhau. Người ta chia mức độ hở van tim thành 4 mức: 1/4 là hở nhẹ, 2/4 là hở trung bình, 3/4 là hở nặng và 4/4 là hở rất nặng. Để quyết định tình trạng hở van tim có cần điều trị hay không bác sĩ không chỉ dựa vào mức độ hở mà còn căn cứ vào triệu chứng của người bệnh (mức độ khó thở, mệt) sự tiến triển của hở van, mức độ bị ảnh hưởng của tim, chức năng tim (tim có giãn chưa, tim bóp còn tốt không..)

Trường hợp của bạn khám sức khoẻ định kỳ siêu âm tim phát hiện hở hai lá rất nhẹ, hở ba lá nhẹ, ngoài ra không có biểu hiện triệu chứng gì. Trong trường hợp này, bạn chưa cần điều trị thuốc hay làm can thiệp gì. Bạn chỉ cần sinh hoạt điều độ, sống lành mạnh, theo dõi và kiểm tra định kỳ bác sỹ chuyên khoa tim mạch 6 tháng một lần.

Câu hỏi : Bệnh hở van hai lá khác hẹp van hai lá như thế nào ? Nguyên nhân gây bệnh hở van hai lá ?

Hẹp van hai lá là tình trạng giảm diện tích mở lỗ van hai lá do dính dần các mép van, xơ hoá và co rút bộ máy van và dưới van. Hẹp van hai lá gây cản trở dòng máu từ nhĩ trái về thất trái, gây ứ đọng máu ở nhĩ trái và ở phổi. Trái lại, hở van hai lá là tình trạng van hai lá đóng không kín trong thì tâm thu, làm cho dòng máu từ thất trái lẽ ra đi một chiều qua van động mạch chủ đưa máu đi nuôi toàn cơ thể lại bị trào ngược trở lại một phần vào nhĩ trái. Hậu quả của hở van hai lá làm là làm cho buồng tim trái phải làm việc nhiều hơn, lâu ngày dẫn đến giãn thất trái và suy tim.

Có rất nhiều nguyên nhân gây hở van hai lá, được chia thành các nhóm sau đây:

  1. Bệnh lý lá van:

–         Di chứng thấp tim: xơ hoá, dầy, vôi, co rút lá van.

–         Thoái hoá nhầy: làm di động quá mức lá van.

–         Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn (VNTMNK) gây thủng lá van, co rút lá van khi lành bệnh.

–         Xẻ (nứt) van hai lá: đơn thuần hoặc phối hợp (thông sàn nhĩ thất – một dị tật tim bẩm sinh).

–         Van hai lá có hai lỗ van.

–         Bệnh cơ tim phì đại: van hai lá di động ra trước trong kỳ tâm thu.

  1. Bệnh lý vòng van hai lá:

–         Giãn vòng van:  do giãn buồng thất trái trong bệnh cơ tim giãn, bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tín, tăng huyết áp lâu ngày.

–         Vôi hoá vòng van:

–         Thoái hoá ở người già, thúc đẩy do tăng huyết áp, đái đường, suy thận.

–         Do bệnh tim do thấp, hội chứng Marfan, hội chứng Hurler.

  1. Bệnh lý dây chằng:

–         Thoái hoá nhầy gây đứt dây chằng.

–         Di chứng thấp tim: dày, dính, vôi hoá dây chằng.

  1. Bệnh lý cột cơ:

–         Nhồi máu cơ tim gây đứt cột cơ nhú: gây hở hai lá cấp, biểu hiện lâm sàng bằng triệu chứng suy tim nặng, có thể shock tim.

–         Rối loạn hoạt động cơ nhú:

–         Thiếu máu cơ tim

–         Bệnh lý thâm nhiễm cơ tim: amyloid, sarcoid.

Bẩm sinh: dị dạng, van hình dù…

Câu hỏi : Vợ tôi bị bệnh tim (bệnh hẹp van tim) vậy vợ tôi có thể mang thai được không?

Do vợ bạn bị bệnh tim (bệnh hẹp van tim) do đó cần đi khám bác sỹ chuyên khoa tim mạch khi dự định mang thai, nếu có sẵn bệnh lý tim mạch. Quan điểm phụ nữ có bệnh tim không được mang thai đã hoàn toàn không chính xác.

Thầy thuốc chuyên khoa tim mạch sẽ hỏi về tiền sử bệnh của bạn, khám lâm sàng, và yêu cầu bạn làm một số thăm dò cận lâm sàng cần thiết để đánh giá chức năng tim cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh. Dựa trên kết quả xét nghiệm, bác sỹ tim mạch sẽ cho bạn biết mang thai có an toàn hay không, có những nguy cơ gì tiềm ẩn trong quá trình mang thai, gồm cả nguy cơ cho thai nhi và cho sức khỏe lâu dài của bạn và đứa trẻ. Bác sỹ cũng sẽ thảo luận về các thuốc cần dùng trước khi bạn mang thai.

Cần phải thông báo với bác sỹ mọi thuốc bạn đang sử dụng (gồm cả thuốc tim mạch lẫn những thuốc không được kê đơn mà bạn vẫn dùng hàng ngày). Bác sỹ có thể điều chỉnh liều thuốc nếu cần thiết hoặc kê thuốc khác an toàn hơn.

Cần có sự chuẩn bị kĩ càng khi mang thai và đi khám bác sỹ tim mạch định kỳ trong quá trình mang thai.

Phần lớn những phụ nữ có bệnh tim mạch đều có thể mang thai an toàn và đẻ con khỏe mạnh.

Tuy vậy, một số bệnh nhân bị bệnh tim mạch không nên vội vàng mang thai khi chưa có sự chữa chạy nhất định vì làm tăng nguy cơ cho cả mẹ và thai nhi: các bệnh hẹp van tim nặng mà chưa được sửa chữa; suy tim nặng, bệnh tim bẩm sinh có tím chưa được sửa chữa, bệnh Marphan…

Câu hỏi: Bệnh tim có di truyền không? Chồng mới cưới của em gái tôi bị bệnh hở van hai lá do thấp tim, vậy cháu tôi có thể bị bệnh tim không?

Hầu hết các bệnh lý tim đều không phải là bệnh di truyền. Một số bệnh lý tim như bệnh cơ tim giãn, bệnh cơ tim phì đại hoặc hội chứng Brugada … có tính chất gia đình.

Thấp tim hay còn gọi là Thấp khớp cấp hoặc Sốt thấp (Rheumatic Fever) là một trong những bệnh của hệ miễn dịch mô liên kết, nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm vi khuẩn liên cầu có khả năng gây tan máu nhóm A (Streptocucus A) tại đường hô hấp trên. Biến chứng thường gặp của Thấp tim là tổn thương van tim trong đó hay gặp nhất là tổn thương van hai là và tổn thương van động mạch chủ. Tổn thương trên van tim có thể gặp hở van tim hoặc hẹp van tim hoặc vừa hẹp vừa hở van tim. Tổn thương van tim là hậu quả của bệnh thấp tim và vì thế bệnh lý này không di truyền cho con cái. Để phòng tránh bệnh thấp tim cần giữ vệ sinh môi trường sạch sẽ, tránh sống ở nơi ẩm thấp, không để nhiễm lạnh cho trẻ em. Một khi trẻ có dấu hiệu của viêm đường hô hấp trên, trẻ cần được điều trị triệt để và sớm. Nếu trẻ có các biểu hiện đau khớp thì cần đưa ngay trẻ đến khám ở các cơ sở y tế.

Câu hỏi : Bệnh thấp tim là gì? Nguyên nhân gây bệnh? Bệnh có nguy hiểm không?

Thấp tim là bệnh lý viêm tự miễn, xuất hiện sau khi nhiễm khuẩn đường họng miệng. Vi khuẩn gây bệnh là liên cầu gây tan huyết nhóm A. Trong vòng 2 đến 3 tuần sau nhiễm liên cầu vùng hầu họng, nếu không được điều trị đầy đủ, bệnh có thể tiến triển thành thấp tim.

Bệnh thấp tim phổ biến nhất ở lứa tuổi từ 5-15 tuổi, dù bệnh có thể xuất hiện ở trẻ nhỏ hơn và cả người lớn. Tỉ lệ mắc bệnh ở trẻ nam và nữ là như nhau.

Thấp tim có thể gây các biến chứng nặng nề ở não, tim, khớp, da. Ở tim, thấp tim để lại những hậu quả kéo dài như viêm tim, dày dính van tim. Lâu dần sẽ dẫn tới tổn thương van tim, suy tim, rối loạn nhịp tim, đột quỵ, thậm chí tử vong.

Mặc dù ngày nay hiếm gặp ở các nước phát triển, thấp tim vẫn còn phổ biến ở các nước đang phát triển, nhất là những nơi có điều kiện vệ sinh và dinh dưỡng kém như châu Phi hay Nam Á. Ở Việt Nam, tỉ lệ thấp tim đã giảm nhiều nhưng vẫn có nhiều bệnh nhân phải đến viện với di chứng tổn thương van tim, hậu quả của việc bị thấp tim lúc trẻ.

Câu hỏi: Con tôi được chẩn đoán bệnh thấp tim, bác sỹ nói cần tiêm phòng lâu dài? Vậy tiêm phòng thấp tim có tác dụng gì? Có nguy hiểm gì không? Tiêm đến khi nào?

  1. Tác dụng của tiêm phòng thấp:

Tại Việt Nam, hiện nay, thấp tim vẫn là nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh van tim. Thấp tim gây ra bởi các vi khuẩn thuộc nhóm liên cầu, đặc biệt sau viêm họng do liên cầu từ vài tuần đến vài tháng, dẫn đến tổn thương các cấu trúc van tim, tiến triển dần gây dày, co kéo, vôi hóa tổ chức van tim. Nhờ sự phát triển nhanh của nhiều loại kháng sinh, tỉ lệ thấp tim ngày nay đang có xu hướng giảm rõ rệt. Tuy nhiên tỉ lệ thấp tim ở Việt Nam còn cao.

 Bản chất của bệnh thấp tim rất hay tái phát, đặc biệt trong thời kỳ thiếu nhi và thanh niên, mà mỗi lần tái phát làm cho bệnh tim có thể nặng lên các tổn thương van tim tiến triển nhanh hơn. Tuy nhiên, thấp tim có thể phòng ngừa được bằng cách giáo dục tốt chế độ vệ sinh phòng bệnh, khi có viêm họng do liên cầu cần điều trị sớm, đầy đủ, và đặc biệt, khi phát hiện bị thấp tim cần được quản lý theo dõi chặt chẽ tại các cơ sở y tế và tiêm phòng thấp đầy đủ. Tiêm phòng thấp là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa thấp tim tái phát, hạn chế tiến triển của bệnh van tim do thấp.

  1. Những nguy cơ của tiêm phòng thấp

          Thuốc dùng để tiêm phòng thấp là penicillin tác dụng chậm. Cũng giống như các kháng sinh khác, tác dụng không mong muốn của thuốc có thể gặp đầu tiên là phản ứng dị ứng với thuốc biểu hiện ở các mức độ từ nhẹ như mẩn ngứa, nổi mề đay, nặng hơn có thể có biểu hiện shock phản vệ. Trước khi tiêm phòng thấp, tất cả các bệnh nhân đều được thử phản ứng trước, nhằm làm giảm thiểu nguy cơ xảy ra phản ứng không mong muốn với thuốc. Một số tác dụng phụ khác cũng có thể gặp là đau vị trí tiêm, do tiêm không đúng kĩ thuật, chảy máu, hay tiêm vào thần kinh ngồi (ít gặp)

3.Thời gian tiêm phòng thấp                               

Bắt đầu tiêm phòng thấp ngay sau khi điều trị đợt thấp tim cấp

Thời gian tiêm dự phòng thấp thay đổi tuỳ theo tình trạng bệnh: Thấp tim lần đầu hay tái phát nhiều lần, bệnh thấp tim có ảnh hưởng đến tim và các van tim hay chưa, mức độ ảnh hưởng đến van tim như thế nào…

Thông thường thời gian phòng thấp tùy theo từng bệnh nhân cụ thể:

+ Thấp tim có viêm cơ tim, để lại di chứng van tim: Dự phòng ít nhất đến 40 tuổi, có thể suốt đời.

+ Thấp tim có viêm tim nhưng chưa để lại di chứng van tim: ít nhất 10 năm cho đến tuổi trưởng thành, một số trường hợp lâu hơn.

 + Thấp tim không có viêm tim: phòng liên tục trong 5 năm, nếu trong 5 năm có 1 lần tái phát thì phòng đến 21 tuổi hoặc lâu hơn tùy trường hợp.

Trả lời

viTiếng Việt